Linh thiêng Phủ Mỗ

Phủ Tây Mỗ hay còn gọi là Phủ Mỗ, có tên cổ là Tây Mỗ linh từ ở chân núi Ông Quân, làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, là nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây gắn với sự tích giáng trần lần thứ 3 của mẫu Liễu Hạnh.

Phủ Tây Mỗ có cách đây khoảng gần 600 năm, kể từ ngày mẫu hóa.

Theo truyền thuyết, mẫu Liễu Hạnh là con thứ 2 của Ngọc Hoàng tên là Đệ Nhị Quỳnh Hoa. Do một lần nhỡ đánh rơi chén ngọc bị giáng xuống dương gian. Lần thứ nhất là năm Thiệu Bình tức năm 1434 vào nhà họ Phạm ở xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Lần thứ 2 bà giáng trần năm Thiên Hựu tức năm 1557 vào nhà họ Lê ở xã An Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lần thứ 3 bà giáng trần xuống một gia đình họ Hoàng tại làng Tây Mỗ - nay là xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, bà đã tái hợp cùng Mai Thanh Lâm (còn gọi là Mai Sinh) là hậu kiếp của Trần Đào Lang, được hơn 1 năm thì mãn hạn hồi tiên. Tên bà lúc đó là Hoàng Thị Trinh. Bà kết duyên năm 18 tuổi, năm 19 tuổi bà về trời. Vợ chồng bà có 1 con trai tên là Thanh Cổn. Thanh Cổn sau này được thờ tại Đèo Ngang và có tên là cậu bé Đồi Ngang.

Tại đây còn lại cây mít cổ có tuổi hơn 500 năm. Có người nói đó là cây mít do chính tay Mẫu trồng khi còn ở cõi trần. Cây mít cổ này hiện vẫn nằm dưới chân núi bên trái ngôi đền.

Hiện nay đền được tôn tạo khang trang có đủ các cung thờ Mẫu, Tam Phủ, Tứ Phủ, chúa Sơn Trang…

Phủ Mỗ là nơi sơn thủy hữu tình, tòa phủ mới trùng tu tựa núi Ông Quân, mặt hướng đầm sen.

Bước lên 18 bậc thềm đá chạm rồng, vào tòa tiền thế, chính cung thờ Ngũ vị Tôn ông, công đồng Tứ Phủ, đôi bên thờ Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu, trung cung thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu.

Hậu cung tôn trí kim thân Thánh mẫu, trên có bảng vàng “Mẫu nghi thiên hạ”, đôi bên có nhị vị Tiên nương thị giả. Trở ra phía bên trái phủ là cung thờ Đức Thánh Trần, bên phải là cung thờ Phật Mẫu địa hoàng, động sơn trang và các ban thờ cô bé, cậu bé, thủ đền, thủ phủ.

Năm 1996 Phủ Mỗ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày 7 tháng 3 âm lịch nhằm tôn vinh Thánh mẫu Liễu Hạnh - vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ mẫu tam Phủ, tứ Phủ của người Việt.

Phủ Mỗ là di tích lịch sử văn hóa nằm trong hệ thống di tích trọng điểm của xứ Thanh. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội Phủ Mỗ là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”.

Thu Thủy - Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/linh-thieng-phu-mo/20641.htm