Linh thiêng tháng 7

Vẫn còn nguyên nỗi xúc động không nói thành lời khi lần đầu tiên đến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (Quảng Trị) sau những ngày đất nước thống nhất. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu vết của những năm tháng khốc liệt với nhiều hy sinh mất mát vẫn còn đó.

Người bạn đồng hành nhìn ra những trảng cát trắng nhức mắt và bâng khuâng hồi tưởng. Sao bỗng nhớ hồi còn nhỏ xem phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", nhân vật cô Dịu trong phim hiên ngang, bất khuất cùng những hy sinh vô bờ bến của quân dân 2 bờ Bắc - Nam. Cảm xúc đó không những vẹn nguyên mà còn được nhân lên trong lần đầu thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, thăm thành cổ Quảng Trị…

Du khách gần xa đến thăm viếng, dâng hương hoa trên phần mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương,Côn Đảo(Bà Rịa-Vũng Tàu).

Du khách gần xa đến thăm viếng, dâng hương hoa trên phần mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương,Côn Đảo(Bà Rịa-Vũng Tàu).

Đi trên mỗi mét đất lịch sử, là "địa chỉ đỏ” cần đến của bao người con đất Việt, thấy như hiện lên bao hy sinh mất mát của bao thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến. Hòa bình rồi, đến viếng các nghĩa trang mới thấy được cái giá của độc lập, tự do. Bao người đã ra đi khi tuổi thanh xuân, cùng bao khát vọng về hạnh phúc, về cuộc đời. Mỗi câu chuyện, mỗi hiện vật, mỗi lá thư, mỗi hình ảnh…đều ẩn chứa những giá trị thiêng liêng, cùng biết bao nỗi niềm, tình cảm của những người đã nằm xuống. Việt Nam, dân tộc của các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và thế kỷ XX là dân tộc của các cuộc kháng chiến, dằng dặc năm tháng, dằng dặc những chia ly, mất mát, hy sinh. Đất Mẹ Việt Nam cũng là đất nước của những đài chiến công, những nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ… Không xã nào không có nghĩa trang liệt sĩ. Thời mà cả nước lên đường, nên không gia đình nào không có người lên đường góp công sức vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hôm nay đây, đi dọc đất nước Việt Nam, đến mỗi địa danh, mỗi mảnh đất lịch sử đều khiến bao người rưng rưng xúc động. Đường Trường Sơn suốt dọc mảnh đất hình chữ S này, Đài tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng ở đất Quảng anh hùng; dòng Thạch Hãn bi hùng, nghĩa trang chiến dịch Hòa Bình, đền thờ Bến Dược-Củ Chi, ngã ba Đồng Lộc…

Trong lần đến nghĩa trang Hàng Dương- Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, bao người rưng rưng những dòng lệ xót thương, cảm phục những anh linh nơi này. Trong tiếng gió rít của mùa gió chướng, cùng cơn mưa sụt sùi, bỗng hiện lên hình ảnh nữ anh hùng Võ Thị Sáu - người con gái đất đỏ trên pháp trường. Rồi ngược Điện Biên thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ A1 - nơi yên nghỉ các chiến sĩ đã hy sinh trong "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dâm cơm vắt”, hay về với nghĩa trang Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên - Hà Giang) - nơi những chiến sĩ trẻ hy sinh trong những năm biên giới phía Bắc không bình yên. Có nhiều ngôi mộ gắn ngôi sao màu đỏ, chưa có danh tính; nhiều anh linh đang nằm rải rác đâu đó nơi những ngọn núi, ngọn đồi biên cương… Hôm lên cao điểm 468 nơi đặt đài tưởng niệm nhìn về ngọn núi phía xa, bỗng vang lên câu quyết tử của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh "sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” được khắc lên báng súng. Phía xa xăm, xanh thẳm đó, còn bao người con đất Việt đang nằm lại chưa tìm thấy hài cốt… Rồi còn có những hy sinh ngoài biển đảo Tổ quốc, nơi các chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế ở các chiến trường K, chiến trường C. Nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai), nghĩa trang Việt - Lào (Nghệ An)… nơi trở về của những người chiến sĩ đã hy sinh bên ngoài Tổ quốc khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Mới đây, tình cờ gặp anh Trần Văn Thịnh (Kim Bảng - Hà Nam) có 2 người anh đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 1 em trai hy sinh ở vùng biển Gạc Ma (Trường Sa - tháng 3/1988). Anh bồi hồi, xúc động: Không phải diện thực hiện nghĩa vụ quân sự (có 2 anh trai là liệt sĩ, 1 anh đang chiến đấu ở biên giới phía Bắc), nhưng em trai tôi là Trần Văn Bảy (là một trong 64 liệt sĩ trong sự kiện Gạc Ma năm 1988) vẫn xung phong lên đường. Em ra đi khi tuổi đời đôi mươi, trẻ trung, trong sáng; di vật để lại duy nhất là 1 lá thư viết trước khi đi Trường Sa. Gia đình tôi mong một lần được đón em về… Giờ gửi lại tất cả ở biển xa…

Tháng 7, tháng linh thiêng… Khi nghĩ về Tổ quốc chính là nghĩ về những hy sinh, mất mát của bao thế hệ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và trân trọng giá trị của cuộc sống hôm nay…

Bùi Huy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/155086/linh-thieng-thang-7.htm