Làm rõ vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc

Tham luận tại hội thảo đánh giá, danh nhân Lưu Đình Chất là một vị khoa bảng cự phách, người có tấm lòng lo lắng đau đáu đối với thời cuộc, về vận mệnh của đất nước.

Ngày 6-7 tại Thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã diễn ra hội thảo Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông.

Danh nhân Lưu Đình Chất là con trai của Lâm Quận công Lưu Đình Thường (Thưởng). Ông cũng là hậu duệ đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ, người đã thừa kế trọn vẹn tài năng và truyền thống tốt đẹp của Thái sư.

 Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Theo sử liệu, ông đỗ đạt khá muộn. 42 tuổi, ông Lưu Đình Chất tham gia thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), ông được phong chức Đô cấp sự trung (chức quan đứng đầu một cơ quan trong sáu khoa giúp việc sáu bộ thời Lê - Trịnh).

Sau khi đỗ Hoàng giáp (1607), ông Lưu Đình Chất vẫn đảm nhận công việc ở Bộ Lại, đến năm 1613 thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá. Đặc biệt sau đó, đến năm 1616, ông Lưu Đình Chất được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh.

Không phụ sự kỳ vọng, trong chuyến đi này ông Lưu Đình Chất bằng tài ngoại giao khéo léo đã chú trọng gia tăng tình hòa hiếu với không chỉ nhà Minh mà mở rộng giao hảo với sứ thần Cao Ly.

Sau khi đi sứ trở về, ông Lưu Đình Chất được thăng lên chức Hữu Thị lang Bộ Lại, tước hầu. Sách Hoằng Hóa phong vật dành cho ông nhiều lời khen ngợi: “Dĩnh ngộ hơn người, văn chương nổi tiếng ở đời… Đi sứ phương Bắc, vịnh thơ thù tạc, ứng đáp, thanh danh vang động Yên Kinh”.

Về phẩm chất đạo đức, ông Lưu Đình Chất là một vị đại quan có tài, lại rất thanh liêm, một lòng phụng sự triều đình.

TS. Nguyễn Hữu Tâm đánh giá: “Các bài khải của Lưu Đình Chất- một vị khoa bảng cự phách, một trọng thần lương đống của triều Lê-Trịnh đã thể hiện rõ tấm lòng lo lắng đau đáu đối với thời cuộc, về vận mệnh của đất nước, đặc biệt về cuộc sống hằng ngày của những người dân lao khổ trên mọi miền.

Những kiến nghị thẳng thắn, không e dè, “trung ngôn nghịch nhĩ” như vậy của ông đã phần nào có tác dụng tích cực với tầng lớp thống trị như An Bình Vương Trịnh Tùng phải suy nghĩ tìm cách thay đổi phương thức quản lý vương triều cho phù hợp với bối cảnh xã hội đương thời”.

 Tượng Danh nhân Lưu Đình Chất (Ảnh: Lưu tộc Việt Nam).

Tượng Danh nhân Lưu Đình Chất (Ảnh: Lưu tộc Việt Nam).

Hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Danh nhân Lưu Đình Chất, căn cứ trên những nghiên cứu tại các địa phương mà ông để lại dấu ấn, các tác giả Trần Quang Minh và Lê Thị Thanh Thủy kiến nghị:

“Sau Hội thảo khoa học này, để tôn vinh công trạng của Dinh điền Chánh sứ Tiến sĩ Lưu Đình Chất và tri ân báo hiếu Đức Ngài, nhân dân huyện Giao Thủy, Nam Định mong muốn tại tỉnh Nam Định có đường phố và trường học mang tên Danh nhân lịch sử Lưu Đình Chất”.

Đối với những di tích hiện có, gồm Đình Đông Khê, Từ đường dòng họ Lưu Đình, Khu Lăng mộ Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê, cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, xếp hạng (Đình Đông Khê và khu lăng mộ được xếp hạng cấp tỉnh năm 1993, cùng với các di tích khác thành cụm di tích ở Quỳ Chử).

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lam-ro-vai-tro-cua-danh-nhan-luu-dinh-chat-trong-lich-su-dan-toc-post799221.html