Lính 'trinh sát đặc nhiệm' xung kích vùng lũ
Sáng 18 – 10, chúng tôi về tuyến đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Phạm Như Xương... (Quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vẫn còn ngổn ngang như bãi chiến trường. Mưa đã tạnh, lũ đã rút, bên lề đường, tốp chiến sỹ đang dùng cưa thu dọn những cây gãy đổ chồng lên nhau. Giữa lòng đường, gần chục chiến sỹ áo quần lấm lem bùn đất đang chuyển những đống rác ken dày từng lớp chất lên xe ô tô chở ra bãi rác…
Đại tá Lê Quý Đôn, Chính ủy Lữ đoàn 74 (Tổng cục 2) đến từng bộ phận động viên anh em gắng sức giúp dân. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: “Đơn vị đang tăng cường huấn luyện phục vụ cho công tác diễn tập, khối lượng công việc nhiều, nhưng cán bộ, chỉ huy vẫn “bám” hiện trường giúp đỡ nhân dân. Trong hai ngày 17 và 18-10, đơn vị huy động gần 100 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng 2 xe tải do tôi trực tiếp chỉ tham gia với các lực lượng di dời gần 200 hộ dân phường Hòa Khánh Nam đến nơi an toàn. Các lực lượng còn chặt và thu gom cây đổ, giải phóng các tuyến đường trên địa bàn. Chỉ trong 2 ngày lao động cật lực, lực lượng của Lữ đoàn 74 và các lực lượng Ban CHQS quận, Tiểu đoàn Đặc công 409 và dân quân, thanh niên tình nguyện đã chặt cành, dọn sạch hàng chục km các tuyến đường trên địa bàn quận Liên Chiểu; thu gom hàng trăm tấn rác…”.
Thấy bộ đội lao động vất vả, ông Bùi Trung Khánh, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam ra tận nơi động viên anh em. Ông Khánh nói: “Nếu không có lực lượng của Lữ đoàn 74 và các đơn vị quân đội, dân quân nhiệt tình giúp sức thì còn lâu mới có thể dọn sạch nhà dân và thông các tuyến đường trên địa bàn. Nghe vậy, Đại tá Lê Quý Đôn, Chính ủy Lữ đoàn 74 trả lời ngay: “Có gì đâu, đã giúp dân thì không ngại gian khổ, miễn sao phố sạch, đường quang, bà con sớm ổn định cuộc sống là chúng tôi vui rồi”.
Ngày 17-10, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Phượng (trú tại tổ 68 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam) đang đi công chuyện thì nhà riêng bị chập điện bốc cháy. Khi vợ chồng anh Phượng về tới nơi thì ngôi nhà đã được các lực lượng của Lữ đoàn 74, Ban CHQS, công an, dân quân và bà con lối xóm dập tắt ngọn lửa. Nhờ lực lượng cứu hộ có mặt kịp thời, nên không ảnh hưởng đến đồ dùng, vật dụng và tài sản trong gia đình.
Có thể nói, trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau, Trung úy, chiến đấu viên Phan Hồng Đức, Phân đội 2, Đại đội 1 nhà ở quận Liên Chiểu cũng bị ngập nước, nhưng anh phó thác cho bà xã lo liệu, còn mình thì cùng đồng đội lo cứu dân vùng lũ. Trong trận lũ lịch sử tại Đà Nẵng vào tháng 10-2022, chính Trung úy Phan Hồng Đức không quản đêm tối đã dũng cảm bơi vào cứu 5 người dân trong một gia đình ở kiệt 512, đường Mẹ Suốt (quận Thanh Khê).
Không riêng gì Trung úy Phan Hồng Đức tận tình, tận nghĩa giúp dân, mà toàn thể cán bộ, chiến đấu viên Lữ đoàn 74 đều như vậy. Đại tá, Lữ đoàn trưởng Nội Thế Nam bị chứng đau dạ dày hành hạ, nhưng anh vẫn choàng áo mưa, lội bộ giữa dòng nước lũ chỉ huy bộ đội tích cực giúp dân. Trung tá Lê Hải Đăng, Trợ lý Tác huấn lữ đoàn đang bị sốt nhẹ vẫn xung phong giúp dân. Tôi nhớ, cách đây tròn 10 năm, ngày 17-10-2013, đồng chí Lê Hải Đăng còn mang quân hàm Thượng úy. Hôm ấy, mặc cho gió bão, hiểm nguy, nhưng Đăng cùng đồng đội xông vào khu dân cư kịp thời cứu hai mẹ con chị Lê Thị Lan ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) trong cơn nguy cấp. Sau gần hai giờ đồng hồ “đánh vật” với mưa bão, 30 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 74 đã di dời 45 hộ với gần 400 người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn (trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em). Đêm ấy, nhờ có sự hiệp đồng chặt chẽ từ trước, nên các lực lượng của Lữ đoàn 74 đã nhanh chóng tiếp cận chính xác các vùng, các gia đình bị lũ chia cắt cô lập, kịp thời cứu hộ người dân. Các anh đã làm tròn trách nhiệm của người lính trinh sát đặc nhiệm, trọn tình, trọn nghĩa với dân…
Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng của bài này thì Trung tá Hồ Đình Dần, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 74 điện thoại thông báo, Lữ đoàn tiếp tục huy động 50 cán bộ, chiến đấu viên sẵn sàng giúp nhân dân khắc phục hậu quả và xử lý các tình huống…
Bài và ảnh: TÙNG LÂM – TRUNG NAM