Lính Ukraine kể về nỗi ám ảnh với UAV giá rẻ Lancet của Nga
Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài sang tháng thứ 17, các lực lượng Kiev cho biết Moscow đang tăng cường sử dụng máy bay không người (UAV) lái tấn công giá rẻ có khả năng phá hủy các phương tiện thiết bị có giá trị cao hơn gấp nhiều lần.
Lancet, UAV có dạng hình ống màu xám góc cạnh với 2 cụm 4 cánh, trở thành nỗi ám ảnh đối với binh lính Ukraine trên tiền tuyến trong những tháng gần đây.
Các tiểu đội pháo binh Ukraine gọi Lancet là một trong những mối đe dọa chính mà họ phải đối mặt trên chiến trường. Tần suất Nga sử dụng UAV Lancet đã gia tăng so với trước đây.
“Nga sử dụng UAV Lancet ngày càng nhiều. Hồi mùa xuân, họ không sử dụng Lancet thường xuyên như bây giờ”, pháo thủ 35 tuổi có mật danh là Doc, nói với Reuters gần Avdiivka ở tiền tuyến khu vực Donetsk.
Bộ Quốc phòng Nga đã khuyến khích tăng cường sản xuất UAV Lancet như một giải pháp giá rẻ để tấn công các thiết bị có giá trị cao mà phương Tây cung cấp cho Ukraine để phản công, ông Samuel Bendett, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết.
UAV tấn công có thể mang vũ khí để bắn vào mục tiêu hoặc được sử dụng làm “đạn dược lảng vảng” - tức là được gắn chất nổ để lao vào mục tiêu. Lancet có thể mang lượng thuốc nổ tương đối nhỏ, từ 1,5-5 kg.
Không giống như đạn pháo hoặc tên lửa, UAV Lancet được người điều khiển vận hành trong thời gian thực. Đây là điểm khác biệt so với UAV Shahed-136 do Iran sản xuất mà Nga được cho là đã sử dụng rộng rãi để tấn công các mục tiêu Ukraine. UAV Shahed bay tới một điểm đến được lập trình sẵn và không thể điều khiển được khi nó đang ở trên không.
Theo ông Bendett, biến thể mới nhất, Lancet 3, có thể bay xa tới 50km, khiến nó có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau phòng tuyến của Ukraine tốt hơn bất kỳ loại đạn dược lảng vảng nào khác của Nga.
Mục tiêu của UAV Lancet trên chiến trường
Với khả năng lảng vảng và sau đó đuổi theo mục tiêu, Lancet trở thành mối đe dọa đối với các thiết bị có giá trị cao như xe tăng, pháo tự hành và hệ thống phóng tên lửa của Ukraine. Một trong những phương tiện có nguy cơ cao nhất trở thành mục tiêu của UAV Lancet là pháo phản lực BM-21 Grad.
Khi pháo BM-21 Grad khai hỏa, nó sẽ bị phát hiện và trở thành mục tiêu hàng đầu của UAV Lancet. Một đoạn video được đăng tải trên truyền thông xã hội tuần trước cho thấy khẩu pháo của Ukraine bị UAV Lancet tấn công.
Khoảng khắc UAV cảm tử Lancet của Nga lao vào mục tiêu. Video: Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga
Binh sỹ có biệt danh Voron, thuộc một tiểu đội pháo Grad gần Avdiivka đã kể lại một cuộc tấn công của UAV Lancet vào đầu tháng 5 vừa qua.
Sau khi khai hỏa vào một mục tiêu có giá trị của Nga, khẩu đội pháo Grad của Voron ngay lập tức bị nhắm mục tiêu bởi một tên lửa S300 của Nga, tên lửa này bắn trượt khoảng 150 mét. Tuy nhiên, một chiếc UAV Lancet sau đó đã xuất hiện trên bầu trời và săn tìm hệ thống pháo của Ukraine.
“Chúng tôi quyết định bỏ chạy... Sau khoảng 50 mét, nó rơi xuống bên phải tôi. Tạ ơn Chúa, nó đã không trúng vào chúng tôi”. Veron cho biết chiếc UAV rơi xuống cách cabin của xe chở bệ phóng Grad chỉ 2 mét.
“Giống như một quả lựu đạn phát nổ ngay bên cạnh chúng tôi. Nó khiến chúng tôi điếc tai, bắn tung đất lên người chúng tôi”, pháo thủ 27 tuổi kể lại. Hậu quả có thể tồi tệ hơn nhiều nếu UAV lào vào cabin hoặc tên lửa phía sau xe.
Việc sử dụng UAV Lancet ngày càng tăng phản ánh xu hướng rộng lớn hơn trong chiến tranh. Không chỉ Nga mà cả Ukraine cũng tăng cường sử dụng các hệ thống giá rẻ khi cuộc xung đột toàn diện tốn kém diễn ra.
Theo các nguồn tin công khai của Nga, UAV Lancet có giá khoảng 3 triệu rúp (khoảng 35.000 USD) mỗi chiếc. Trong khi đó, một quả tên lửa S300, vốn được thiết kế để nhắm vào các mục tiêu trên không nhưng thường được Nga sử dụng để tấn công các phương tiện mặt đất như bệ phóng Grad, ước tính có giá khoảng 1 triệu USD.
Vì Lancet là thiết bị sử dụng một lần và tự hủy khi lao vào mục tiêu, ông Bendett cho rằng nó chỉ có thể khả thi nếu chi phí được giảm xuống vài chục nghìn USD mỗi chiếc.
Mặc dù không có con số chính xác, theo ông Bendett, có khả năng Nga hiện có vài trăm UAV Lancet và Moscow đang thúc đẩy sản xuất loại vũ khí giá rẻ này.
Ông Bendett đánh giá, Lancet dường như đang nhắm mục tiêu cụ thể là xe tăng Leopard 2, vì Nga coi chúng là những thiết bị hàng đầu mang tính biểu tượng mà phương Tây cung cấp cho Ukraine để tiến hành phản công.
Các UAV như Lancet, bay thấp và chậm, có xu hướng gây nhầm lẫn cho các hệ thống phòng không truyền thống vốn được chế tạo để đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh với tín hiệu nhiệt độ lớn hơn. Điều đó có nghĩa là binh lính Ukraine thường sẽ phải cố gắng bắn hạ chúng bằng vũ khí nhỏ.
Một số video do các lữ đoàn Ukraine công bố cho thấy các binh sĩ đã bắn hạ thành công UAV Lancet bằng súng trường tấn công. Tuy nhiên, Reuters không thể xác minh độc lập các địa điểm hoặc thời điểm của đoạn video này.