Linh vật cảnh sát Hong Kong có nhiều nét giống 'Thanh gươm diệt quỷ'
Grape, linh vật của chiến dịch chống lừa đảo do cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) phát động, có nhiều điểm tương đồng với tạo hình nhân vật chính bộ truyện 'Kimetsu no Yaiba'.
Hôm 13/11, tài khoản Facebook chính thức của lực lượng cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) giới thiệu đến công chúng hình ảnh linh vật cho một chiến dịch chống các hành vi lừa đảo mới được phát động. Linh vật được gọi bằng cái tên thân mật “Grape”.
Grape, với chiếc đầu khổng lồ và gương mặt màu tím, lập tức bị công chúng nghi ngờ là hình ảnh đạo nhái tạo hình Tanjiro trong bộ truyện tranh Kimetsu no Yaiba - Thanh gươm diệt quỷ. Tình huống càng trở nên trớ trêu khi linh vật được sử dụng với mục đích tuyên truyền ngăn chặn các hành vi lừa đảo.
Cả linh vật của cảnh sát Hong Kong và nhân vật Tanjiro trong Kimetsu no Yaiba đều có màu tóc, chiếc áo bàn cờ giống hệt nhau, từ kiểu dáng tới màu sắc. Thậm chí, biểu cảm và dấu vết đặc trưng trên trán Tanjiro cũng được họa sĩ thiết kế ra Grape như “sao y bản chính”.
Theo Sora News, trong một cuộc họp báo hôm 17/11, ông Katsunobu Katou - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - khẳng định hình ảnh cảnh sát Hong Kong đăng tải trông thực sự giống nhân vật Tanjiro. Nhân trường hợp này, ông muốn nhắc lại lập trường của Nhật Bản xung quanh việc bảo vệ bản quyền hình ảnh các tựa truyện cũng như tác phẩm anime.
Ông Katou muốn “tiến hành những biện pháp phù hợp” để bảo vệ tài sản trí tuệ trong bất cứ trường hợp khả thi nào. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra biện pháp ngăn chặn cảnh sát Hong Kong tiếp tục sử dụng hình ảnh Grape.
Trả lời phỏng vấn, ông Masaharu Ina, Giám đốc bộ phận Bảo vệ bản quyền tại Nước ngoài của CODA (tổ chức chống các hành vi ăn cắp bản quyền có trụ sở tại Nhật), cho biết: “Bộ truyện Kimetsu no Yaiba đã được đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, thiết kế cảnh sát Hong Kong sử dụng chưa cấu thành hành vi vi phạm.
Để cấu thành hành vi vi phạm bản quyền, thiết kế ra đời sau cần phải giống, hoặc tương đồng đến mức gây nhầm lẫn với thiết kế gốc. Đối tới tôi, hai hình ảnh dường như chưa đủ sự tương đồng”.
Tuy nhiên, giám đốc của CODA cũng thừa nhận họa sĩ Hong Kong đã có dấu hiệu đạo nhái khi tạo ra Grape. “Điều thú vị là thiết kế tên nhân vật bằng tiếng Trung có bố cục tương tự tiêu đề bộ truyện Kimetsu no Yaiba. Dù thiết kế này tồn tại nhiều điểm đáng ngờ, tôi vẫn không nghĩ nó đủ rõ ràng để cấu thành hành vi vi phạm bản quyền”, ông kết luận.