Lĩnh vực nhiều tiềm năng
Gia Lai là địa bàn giàu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Trong xu thế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo xanh-sạch, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư tín dụng cho các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối.
Trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của tỉnh, thủy điện là lĩnh vực được khai thác sớm nhất với Nhà máy Thủy điện Ia Ly khởi công năm 1993, có công suất 720 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm hơn 3,68 tỷ kWh, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Cho đến nay, toàn tỉnh đã có 48 dự án thủy điện đi vào vận hành với tổng công suất 2.241,15 MW; 2 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và 25 dự án thủy điện với tổng công suất 204,6 MW được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất cho phép khảo sát đầu tư xây dựng.
Đi đôi với sự hình thành các dự án, một số ngân hàng lớn trên địa bàn đã tích cực dịch chuyển cơ cấu đầu tư sang lĩnh vực thủy điện, thu xếp một tỷ trọng vốn trung hạn và dài hạn để trở thành đối tác tài trợ vốn cho các dự án trọng điểm như thủy điện Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4… Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-cho biết: Đơn vị luôn đi đầu trong việc tiếp cận, thẩm định dự án, mạnh dạn đầu tư vốn vào lĩnh vực nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà. Trong đó, doanh số tài trợ cho các dự án thủy điện của đơn vị là 1.862 tỷ đồng, đều là các gói tín dụng trung hạn và dài hạn. Đến nay, hầu hết các dự án đã trả xong nợ ngân hàng, tích cực đóng góp cho nguồn ngân sách địa phương. “Với những kinh nghiệm tích lũy trong đầu tư 13 dự án thủy điện từ năm 2003 đến nay, chúng tôi tự tin, mạnh dạn hơn trong việc đón đầu xu thế, lựa chọn đầu tư cho các dự án khả thi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió khi nhu cầu về năng lượng ngày một gia tăng”-ông Dự nói.
Nếu như nguồn năng lượng thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được khai thác từ cách đây gần 3 thập niên thì các dự án điện mặt trời mới chỉ phát triển trong thời gian ngắn. Cuối năm 2018, Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa có công suất 69 MWp với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Đây là dự án đầu tiên về năng lượng điện mặt trời tại tỉnh ta được Vietcombank Gia Lai tài trợ vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Việt Hằng-Giám đốc Vietcombank Gia Lai-chia sẻ: “Chúng tôi phải trực tiếp sang Philippines để khảo sát về điện mặt trời, chủ động đồng hành cùng với doanh nghiệp để hỗ trợ các giải pháp tài chính tối ưu, tư vấn lựa chọn nhà thầu, trang-thiết bị, thi công. Thời gian thi công nhà máy điện mặt trời chỉ 6-12 tháng. Dự án khi đi vào vận hành rất hiệu quả, đạt và vượt công suất thiết kế, điều hòa vào lưới điện quốc gia. Đây chính là động lực cho nhà đầu tư Vietcombank mạnh dạn tiếp cận và tài trợ cho các dự án kế tiếp”.
Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Tỉnh ta xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ góp phần tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như hướng đến trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của cả nước. Ngoài các dự án thủy điện, nếu khai thác triệt để tiềm năng, Gia Lai có thể xây dựng đến 180 dự án về điện gió và điện mặt trời với công suất lên đến 25.000 MW”.
Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép các doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất dự kiến khoảng 4.058,5 MWp. Đối với các dự án điện gió, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép 67 dự án triển khai khảo sát, đo gió để nghiên cứu đầu tư xây dựng với tổng công suất dự kiến khoảng 9.779,4 MW. Ở góc độ của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho hay: “Dựa trên kết quả khảo sát về khả năng phát triển ngành năng lượng của Gia Lai cho thấy, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo có rất nhiều tiềm năng. Do đó, chúng tôi sẽ bám sát danh mục lĩnh vực dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; đối với dự án đã được phê duyệt sẽ rót vốn nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tính khả thi, hiệu quả, bền vững”.