Liveshow trực tuyến có thu phí: Lối đi không dễ dàng?
Thời gian gần đây, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, trào lưu nghệ sĩ làm liveshow trực tuyến ngày càng diễn ra phổ biến. Đây được đánh giá là hướng đi thích hợp, kịp thời khi sân khấu nói chung, trong đó có hoạt động biểu diễn âm nhạc rơi vào tình trạng khó khăn...
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để thu phí show trực tuyến giúp người nghệ sĩ có kinh phí tái đầu tư vào sản phẩm nghệ thuật là bài toán không hề dễ dàng.
Xu thế phổ biến trong tương lai không xa?
Nhân vật được cho là "người mở đường" cho hoạt động biểu diễn trực tuyến có thu phí là ca sĩ Tuấn Hưng. Hồi cuối tháng 3, nam ca sĩ quyết định tổ chức liveshow mang tên "Đam mê", được phát trực tiếp trên facebook với mức phí là 250 nghìn đồng/người. Được biết, đêm nhạc thu hút khoảng 200 người xem, một con số rất khiêm tốn so với những liveshow thực tế thu hút hàng chục ngàn khán giả.
Mặc dù vậy, "Đam mê" có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu mốc cho một loại hình biểu diễn mới của showbiz. Nhiều người dự đoán, biểu diễn trực tuyến có thu phí sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong tương lai không xa.
Thay vì sân khấu hoành tráng tại một nhà hát hay sân vận động nào đó, liveshow "Đam mê" được tổ chức tại nhà riêng của nam ca sĩ Tuấn Hưng ở Hà Nội. Khác với thường lệ, liveshow không có sân khấu, hiệu ứng ánh sáng lộng lẫy, không có tiếng hò reo của khán giả. Tất cả được truyền trực tuyến trên facebook. Tuấn Hưng hát và giao lưu với người hâm mộ qua ống kính máy quay.
Với sự hỗ trợ của ban nhạc "Màu Nước", Tuấn Hưng rất "phiêu" khi thể hiện list ca khúc hit như "Nắm lấy tay anh", "Cám ơn", "Anh nhớ em"… Theo đánh giá của phần lớn khán giả, dù là show trực tuyến nhưng "Đam mê" vẫn mang đến cho khán giả những giây phút thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa.
Show diễn không có MC dẫn chuyện như thường lệ. Tuấn Hưng cùng ca sĩ khách mời Quang Hà giao lưu, trò chuyện cùng khán giả về chuyện đời, chuyện nghề, vui buồn trong sự nghiệp 20 năm theo đuổi con đường ca hát. "Đam mê" không có kịch bản và cũng không có danh sách bài hát cụ thể. Tất cả đều ngẫu hứng và gây bất ngờ cho khán giả. Chính điều này tạo nên sức hấp dẫn, nét riêng của "Đam mê".
Tuấn Hưng chia sẻ đại ý rằng, khi xác định thu phí livestream phần biểu diễn của mình, anh hiểu và biết những ưu và nhược điểm sẽ gặp phải. "Hưng quyết định tiên phong đi đầu và chấp nhận sẽ chịu nhiều áp lực khi thay đổi thói quen: miễn phí, vui là chính của khán giả và cư dân mạng xã hội", Tuấn Hưng chia sẻ với báo giới. Sau show diễn, Tuấn Hưng đã thông báo về việc sẽ dùng toàn bộ số tiền thu phí để mua khẩu trang, ủng hộ trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.
Có thể thấy rằng, nghệ sĩ làm show trực tuyến không phải là điều xa lạ với khán giả Việt. Có thể "điểm danh" một số chương trình gây chú ý như: series âm nhạc trực tuyến "Music Home" do nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn chỉ đạo nghệ thuật, "Live in Sweet Home" của Tuấn Hưng và Khắc Việt, "The Story" của Đình Bảo… Hay gần đây nhất, ca sĩ Đức Tuấn tổ chức mini show "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" tại phòng khách nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm ngày mất của ông.
Ngoài ra, để kết nối, tạo sự gần gũi với khán giả, nhiều nghệ sĩ trẻ thường xuyên livestream trò chuyện, hát cho người hâm mộ nghe. Tuy nhiên, những chương trình này đều được phát hành miễn phí, không hạn chế đối tượng thưởng thức nghệ thuật. Đây là sự khác biệt với liveshow có thu phí của ca sĩ Tuấn Hưng.
Còn nhiều thách thức
Khai thác hình thức biểu diễn âm nhạc qua các nền tảng số là xu hướng phổ biến trên thế giới và Việt Nam trong thời buổi công nghệ chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như hiện nay. Công nghệ số giúp nghệ sĩ có thể tiếp cận được số lượng lớn khán giả trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với các cách tiếp cận truyền thống. Khi điện thoại thông minh trở thành "vật bất ly thân" của phần lớn người dân thì lượng khán giả tiềm năng xem liveshow trực tuyến sẽ cao gấp nhiều lần so với liveshow được tổ chức tại nhà hát hay sân vận động, quảng trường lớn.
Liveshow trực tuyến tiết kiệm rất nhiều cho ca sĩ. Đã có thời kỳ, ca sĩ Việt "chạy đua" trong việc tổ chức liveshow "khủng" với chi phí lên đến nhiều tỷ đồng. Khi đó, có quan điểm cho rằng, liveshow hoành tráng là thước đo, khẳng định "đẳng cấp" của ca sĩ. Đầu tư hoành tráng, vé Vip lên đến vài triệu đồng/cặp nhưng có khi thu không đủ bù chi.
Hiện nay, thị trường ca nhạc bão hòa, việc tổ chức liveshow được coi là "kênh đầu tư mạo hiểm". Trong khi đó, việc tìm kiếm nhà tài trợ cho liveshow ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngày càng ít ca sĩ đầu tư làm liveshow vì rủi ro cao. Chính vì vậy, làm liveshow trực tuyến là giải pháp an toàn cho bài toán kinh tế của ca sĩ.
Ngoài ra, show online còn có ưu điểm về sự kết nối, tương tác với khán giả. Show online không đòi hỏi sự cầu kỳ về thiết kế sân khấu, ánh sáng hay phục trang biểu diễn của nghệ sĩ. Chính sự đơn giản, tự nhiên, mộc mạc trong show online đã tạo được sự gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả. Điều này không thể có với show diễn được tổ chức trên sân khấu hoành tráng, âm thanh, hình ảnh bắt mắt. Đôi khi khán giả muốn nhìn thấy, nghe những lời tâm sự chân thật của nghệ sĩ bên ngoài ánh hào quang sân khấu.
Nói như vậy không có nghĩa rằng, việc tổ chức show online hoàn toàn thuận lợi. Điều kiện về kỹ thuật trong nước hiện tại không dễ dàng để thực hiện liveshow trực tuyến chất lượng cao. Để tổ chức liveshow, nghệ sĩ cũng phải chi phí một số khoản như hòa âm phối khí ca khúc, xây dựng hình ảnh, đặc biệt là máy móc, thiết bị âm thanh, ánh sáng chất lượng tốt. Ca sĩ Tuấn Hưng cho biết, để chuẩn bị cho "Đam mê", anh đã phải đầu tư hệ thống 6 chiếc máy quay và dàn âm thanh lên đến gần 500 triệu đồng. Tất nhiên, chi phí này vẫn rẻ hơn nhiều so với tổ chức liveshow truyền thống.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khi tổ chức liveshow có thu phí là phải làm thay đổi thói quen "xem, nghe miễn phí" của khán giả Việt. Show online không giới hạn số lượng người xem và sẵn điện thoại thông minh trong tay, việc mua vé xem show online chỉ trong "một nốt nhạc" nhưng đó lại chưa phải là thói quen của phần lớn người Việt. Một show của ca sĩ có nhiều ca khúc hit như Tuấn Hưng cũng chỉ có 200 người bỏ tiền mua vé. Để "thuyết phục" khán giả "rút hầu bao" khi thưởng thức nghệ thuật trực tuyến chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Một số khán giả cho rằng, dù thế nào, họ cũng vẫn muốn nhìn thấy nghệ sĩ mà mình yêu thích "bằng da, bằng thịt" thay vì hình ảnh qua màn hình điện thoại. Được cổ vũ, hò reo tên, chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm với thần tượng mới là người hâm mộ đúng nghĩa. Đến liveshow, khán giả còn được gặp gỡ, giao lưu với những người hâm mộ khác. Rõ ràng, liveshow thực tế vẫn có sức hấp dẫn riêng với khán giả.
Tôi cho rằng, với ca sĩ, biểu diễn trên sân khấu online với số lượng khán giả ít ỏi trong khán phòng nhỏ không thể giúp họ thăng hoa như trên sân khấu thực. Sự cổ vũ, phấn khích của khán giả là chất xúc tác giúp nghệ sĩ hát hay, biểu diễn "sung" hơn. Dù có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại đến đâu chăng nữa, show online cũng không thể mang lại những cung bậc cảm xúc thực kết nối nghệ sĩ và khán giả.
Lệnh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có cả nghệ thuật kinh điển thay đổi hướng tiếp cận khán giả. Gần đây, lần đầu tiên, Bolshoi - Nhà hát vũ kịch của nước Nga lừng danh thế giới đã quyết định phát trực tuyến các buổi biểu diễn được ghi hình trước đó. "Hồ thiên nga" là vở đầu tiên, lên sóng cuối tháng 3/2020 thu hút gần 5000.000 người xem. Video chỉ đăng tải trên Youtube trong vòng 24 giờ, không giới hạn địa lý.
Ngoài "Hồ thiên nga", hàng loạt vở ballet và opera nổi tiếng của nhà hát Bolshoi cũng lần lượt được phát sóng trực tuyến trên Youtube là "Công chúa ngủ trong rừng", "Cô dâu của Sa Hoàng", "Marco Spada", "Boris Godunov" và "Kẹp hạt dẻ".