Livestream bán hàng 'bùng nổ' làm tăng nhu cầu mua sắm online
Sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng rất dễ dàng tương tác với người bán về thông tin và chất lượng sản phẩm, hóa giải mối lo ngại mỗi khi họ muốn tiếp cận với mua sắm trực tuyến.
Tại Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2024) với chủ đề “Thương mại điện tử bền vững” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhận xét về hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử năm 2024, bà Lê Minh Trang, quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ cho biết, năm 2024 nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại điện tử.
Livestream thúc đẩy khách mua sắm trực tuyến
Đề cao vai trò của mua sắm trực tuyến, bà Trang cho biết, trong một nghiên cứu của NielsenIQ đã cho thấy, người tiêu dùng đánh giá về các sản phẩm thiết yếu hay không thiết yếu đều có mức tăng giá đáng kể. Do đó, cách để người tiêu dùng ứng phó với sự gia tăng chi phí, đó chính là thực hiện mua sắm trực tuyến, với hy vọng có thể tận dụng được những ưu đãi tốt hơn.
“Mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng thoát được tâm lý không phải xếp hàng; được trả lời nhanh câu hỏi sản phẩm còn hay không lại có ngay phương thức vận chuyển và thanh toán thuận tiện,… Hơn nữa, những trải nghiệm mua sắm trực tuyến cùng với khả năng dễ dàng đổi trả sản phẩm, thông tin và chất lượng sản phẩm chính xác cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt… đã thúc đẩy hành vi mua sắm online, giúp người tiêu dùng cắt giảm được nhiều chi phí”, bà Trang cho biết.
Một điểm lợi thế trong mua sắm online được bà Trang thông tin, đó là đã có 95% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến thông qua hình thức livestream trong vòng 3 tháng qua. Đây đang là một xu hướng “bùng nổ” trong các nền tảng mua sắm online, giúp cho các nhà bán hàng nâng cao giá trị. Theo khảo sát, sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng dễ dàng tương tác với người bán về thông tin chất lượng sản phẩm. Điều này hóa giải mối lo ngại cũng như rào cản lớn nhất của người tiêu dùng mỗi khi muốn tiếp cận với mua sắm trực tuyến.
“Thông qua livestream và video clip, người tiêu dùng dễ dàng quan sát kỹ càng có tất cả thông tin chi tiết của sản phẩm. Điều đáng nói là người tiêu dùng cho biết, mỗi khi xem livestream bán hàng, họ đều cảm thấy rất vui và thư giãn. Chính vì thế đã có đến 64% người tiêu dùng nói rằng, khi xem livestream và các comment đi kèm đã thúc đẩy họ nảy sinh ý định cũng như thực hiện hành vi mua sắm trực tuyến. Một con số ấn tượng hơn là người tiêu dùng đã dành đến 13 giờ/tuần để xem livestream (trung bình 2 tiếng/ngày), là lượng thời gian khá “xa xỉ” trong cuộc sống hiện nay. Vì thế hình thức livestream bán hàng đang thực sự thu hút đối với các ứng dụng mua hàng trực tuyến”, bà Trang chia sẻ.
71% người tiêu dùng đã mua hàng trong livestream
Đánh giá về thị trường livestream tại Việt Nam, ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng Giám đốc ACCESSTRADE cho biết, xu hướng shopping livestream là hình thức phổ biến nhất trong các loại hình livestream (62%). Bên cạnh đó mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.
Tại Việt Nam, 3 nền tảng livestream phổ biến nhất là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và Tiktok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Đặc biệt, theo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam (thực hiện bởi Cốc Cốc), có tới 77% đã từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. Trong đó, khả năng tương tác và cung cấp thông tin bởi host là hai yếu tố quan trọng thu hút và chuyển đổi khách hàng. Tỷ lệ mua hàng qua kênh livestream ngày càng tăng khi có tới 76% người tiêu dùng quyết định mua sắm/sử dụng dịch vụ dựa trên đề xuất của người dùng cũ.
“Có được khách hàng đã khó nhưng không giữ được khách hàng là mất 90% doanh số của nhà bán hàng. Để bao phủ thị trường, lưu lượng khách hàng sẽ rất quan trọng, cho cần tạo cho khách hàng có nghiệm sâu sắc trên các nền tảng, cùng với hệ thống vận hành thông suốt sẽ khiến khách hàng sẽ quay lại. Ngoài ra, cần tự động hóa quy trình chăm sóc từng khách hàng để qua đó gắn kết và tận dụng được sức mạnh của cộng đồng để giới thiệu sản phẩm, tạo ra chiến dịch marketing 0 đồng cho sản phẩm cũng như doanh nghiệp”, ông Hưng cho biết.
Từ thực tế hiện nay, theo khuyến nghị của bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ - bà Lê Minh Trang, các sàn thương mại điện tử cần nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu livestream của nhà bán hàng, cũng như tăng cường các các yếu tố phù hợp thúc đẩy hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Các nhà bán hàng cần nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm mua sắm livestream cho người tiêu dùng. Vậy các nhãn hàng cũng cần nắm bắt nhanh hơn xu hướng và chú trọng đến hình thức livestream để có kết nối chân thực hơn với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM:
Thương mại điện tử phát triển bền vững sẽ phải nhắc đến nhiều lần trong thời gian tới, để tất cả các địa phương của Việt Nam cùng nắm tay nhau phát triển thương mại điện tử đồng đều, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức độ ứng dụng thương mại điện tử như hiện nay.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, các thành viên của nhiều gia đình cùng tham gia môi trường online đã tạo điều kiện rất tốt cho thương mại điện tử có cơ hội tiếp cận rộng khắp đến mọi người. Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử không hề thay đổi trong và sau Covid-19, có thể về doanh số có giảm đi chút ít, nhưng sau đó đều phát triển mạnh mẽ vì có sự duy trì thương hiệu, đưa được hình ảnh của doanh nghiệp thương mại điện tử gắn bó mật thiết với đời sống xã hội.
VOBF 2024 là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành hoặc sắp sửa đổi, những thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp.