Livestream và sự sống còn của sân khấu kịch

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cùng các đơn vị liên quan tổ chức từ ngày 5 đến 16-11 tại TP Hải Phòng.

Liên hoan đợt 1 này thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 14 đơn vị nghệ thuật, phần lớn tại các tỉnh, thành miền Bắc.

Có 20 vở diễn tham gia dự thi đợt 1. Các vở diễn tham gia liên hoan sẽ được livestream trên kênh YouTube Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam. Lễ khai mạc và bế mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Ban tổ chức đã yêu cầu các đơn vị nghệ thuật tham dự phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Đã có nhiều phản ứng trái chiều về chuyện tổ chức liên hoan đợt 1 giữa lúc dịch Covid-19 còn hoành hành. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng một khi vở diễn được phát trực tiếp trên mạng, việc tổ chức bán vé kinh doanh những vở diễn tại liên hoan gặp phải trở ngại rất lớn, nhất là đối với liên hoan đợt 2 dự kiến tổ chức tại TP HCM vào tháng 1-2022.

Một cảnh trong vở nhạc kịch thuần Việt “Tiên Nga” của Sân khấu IDECAF

Một cảnh trong vở nhạc kịch thuần Việt “Tiên Nga” của Sân khấu IDECAF

Hầu hết vở kịch tại TP HCM đều do các đơn vị xã hội hóa đầu tư bằng tiền túi, nên nếu vẫn giữ quy định livestream trên kênh YouTube thì sẽ không thể biểu diễn doanh thu. Trước đó, trong cuộc họp do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM chủ trì, 15 đơn vị xã hội hóa đã kiến nghị dời liên hoan đến tháng 3-2022 hoặc vào quý II năm sau. Tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã nhận được văn bản từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết liên hoan đợt 2 sẽ được tổ chức tại TP HCM chậm nhất trước ngày 15-1-2022 nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2021 của cục.

Trên thực tế, một số đơn vị sân khấu xã hội hóa không thể tham gia liên hoan vì hiện vẫn chưa thể quy tụ diễn viên để tập dượt. Một câu hỏi khác là liệu hiệu quả nghệ thuật có đạt được hay không khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp tại TP HCM.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF) cho biết: "Hiện nay, số ca F0 vẫn còn cao tại TP HCM, một số lễ hội, hoạt động ca múa nhạc định kỳ chào mừng các ngày lễ đều tạm ngưng. Mục đích của liên hoan sân khấu kịch là giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tạo và cống hiến những tác phẩm mới phục vụ công chúng. Còn hình thức trực tuyến để cho nhiều người được xem mà không đến sân khấu thì đó không phải là mục đích sống còn của sân khấu kịch tại TP HCM".

Đạo diễn Ái Như (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) cũng nhận định việc tổ chức liên hoan có quy định livestream sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của sân khấu kịch tại TP HCM. "Bởi sân khấu xã hội hóa sống bằng việc bán vé, dù tác phẩm mới hay cũ cũng đều hướng đến mục đích lấy doanh thu để tái tạo sản xuất, nuôi sống nghệ sĩ và công nhân sân khấu" - đạo diễn Ái Như chia sẻ.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/livestream-va-su-song-con-cua-san-khau-kich-20211105200145931.htm