LLVT Quân khu 4 phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai: Triển khai quyết liệt, nhiều giải pháp hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, LLVT Quân khu 4 đã tích cực phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, là lực lượng nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ

Quân khu 4 bao gồm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), với bờ biển dài 722km và có 30 đảo lớn, nhỏ, được xác định là địa bàn trọng điểm về thiên tai của cả nước. Hằng năm, trên địa bàn thường chịu ảnh hưởng của 3-4 cơn bão kèm theo mưa lớn, dông lốc, lũ ống, lũ quét cục bộ, sạt lở đất. Cùng với đó là hình thái nắng nóng khô hạn kéo dài trên diện rộng vào mùa hè, rất dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng...

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 luôn xác định phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ-cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình của LLVT Quân khu . Vì vậy, Bộ tư lệnh Quân khu đã tích cực phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lồng ghép đưa công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn với việc lập quy hoạch, xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nhất là các vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai; góp phần thiết thực phục vụ đời sống dân sinh, thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương phát triển. Công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, đã góp phần giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ những kết quả trên, LLVT Quân khu 4 luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương các tỉnh trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao.

Trên tinh thần Nghị quyết 689 của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu 4 đã kịp thời ban hành Nghị quyết 436 ngày 26-12-2014 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo; cụ thể hóa sát với đặc điểm tình hình và chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với thực tiễn trên địa bàn Quân khu. Đảng ủy Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương đưa nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được xác định đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và cứu hộ-cứu nạn. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ động khảo sát địa bàn, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Diễn tập phòng, chống bão lũ, cứu hộ - cứu nạn tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An năm 2023.

Diễn tập phòng, chống bão lũ, cứu hộ - cứu nạn tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An năm 2023.

Đại tá Trần Võ Việt, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết: “Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn. Trên cơ sở Nghị quyết 689 đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự; Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. Hằng năm, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, ngập lũ, sập đổ; các khu vực trọng điểm về cháy nổ, cháy rừng để điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó”.

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Quân khu 4 xảy ra 1.217 vụ liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn. Trong đó có 217 vụ bão lụt, dông, lốc, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá; 248 vụ cháy nổ; 562 vụ cháy rừng; 3 vụ tràn dầu; 187 vụ tai nạn đường không, đường bộ, đường thủy và đuối nước, làm chết 990 người, bị thương 814 người. Tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Quân khu 4 đã điều động hơn 294.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 5.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Huấn luyện, diễn tập thuần thục các phương án sát thực tế

Được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn của Quân khu 4, Lữ đoàn Công binh 414 luôn coi trọng công tác huấn luyện các nội dung về cứu hộ-cứu nạn. Trong đó, tập trung tổ chức huấn luyện cho bộ đội thuần thục các nội dung về sử dụng các trang thiết bị của tiểu đoàn công binh kiêm nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, sập đổ công trình, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe bộ đội. Ngoài huấn luyện chính khóa, Lữ đoàn còn huấn luyện bổ sung, huấn luyện thêm ngoài giờ trong điều kiện thời tiết mưa lớn, đêm tối với nhiều hình thức, tình huống để bộ đội làm quen với sự khó khăn, nguy hiểm. Qua đó nâng cao trình độ, nhận thức, trách nhiệm và khả năng sử dụng các trang bị, phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Lữ đoàn đã gắn huấn luyện với kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, hội thi, hội thao chuyên môn binh chủng và đã đạt được kết quả cao như: Tham gia hội thao cứu hộ-cứu nạn toàn quân đoạt giải nhì; tham gia diễn tập cứu hộ-cứu nạn chung giữa quân đội 3 nước Việt Nam-Lào- Campuchia tại Lào năm 2022; tham gia diễn tập phòng, chống cháy nổ, diễn tập phòng thủ dân sự với các đơn vị, địa phương trên địa bàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và nước bạn ghi nhận, đánh giá cao.

Chúng tôi đến Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 khi đơn vị đang huấn luyện bộ đội cách hàn gắn đê điều trong bão lũ. Đại tá Trần Mạnh Quân, Phó sư đoàn trưởng cho biết: “Sư đoàn xác định công tác huấn luyện phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm cơ bản, song gắn với thực tiễn nhiệm vụ, địa hình và khả năng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Trên cơ sở kiến thức cơ bản, quá trình huấn luyện đội ngũ cán bộ các cấp gắn với truyền thụ kinh nghiệm đúc rút từ hoạt động thực tiễn của Quân khu, Sư đoàn và từng đơn vị. Ví dụ, trong phòng, chống cháy rừng phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện vật chất bảo đảm như nước uống; khăn mặt sẵn sàng chống khói, ngạt khí; phương tiện tạo đường băng chặn lửa... Trong phòng, chống bão lũ phải đánh giá được mức độ nguy hiểm của dòng nước, sạt lở đất, độ sâu, độ dốc của sông, suối; lũ ống, lũ quét; xác định phương tiện, phương pháp cơ động; thời gian tổ chức thực hiện... luôn luôn phải bảo đảm hai yếu tố, hoàn thành nhiệm vụ, song an toàn tuyệt đối về người và trang bị”.

Trong 10 năm qua, Đảng ủy Quân khu 4 đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu tổ chức 3 cuộc diễn tập phòng thủ dân sự kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực có quy mô lớn, tính chất, yêu cầu cao và 45 cuộc diễn tập phòng, chống lụt bão, phòng, chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm thiết thực và an toàn tuyệt đối. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của đội ngũ cán bộ các cấp.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 689 Bộ Quốc phòng, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn. Trong đó nổi bật là: “Các cấp ủy đảng luôn chú trọng đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo; phối hợp, thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai cho toàn dân và LLVT, lấy phòng ngừa là chính. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo huấn luyện, diễn tập cứu hộ-cứu nạn kết hợp với huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện từng đơn vị, địa phương”.

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/llvt-quan-khu-4-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-trien-khai-quyet-liet-nhieu-giai-phap-hieu-qua-785964