LLVT Quân khu 5: Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Quân khu 5 có địa hình phức tạp, nhiều sông suối, là vùng trọng điểm về bão, lũ. Những năm qua, LLVT Quân khu 5 có đóng góp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Hình ảnh 'Bộ đội Khu 5' dũng cảm, xả thân trong PCTT-TKCN đã để lại tình cảm tốt đẹp, niềm tin yêu, mến phục trong lòng nhân dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”

Đến kiểm tra nắm tình hình công tác PCTT-TKCN của Lữ đoàn Công binh 270, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 ghi nhận đơn vị đã quán triệt, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Vấn đề này được thể hiện rõ qua báo động luyện tập phương án PCTT-TKCN và kiểm tra trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn của Lữ đoàn Công binh 270.

Đoàn công tác kiểm tra trang thiết bị, phương tiện cứu hộ-cứu nạn tại Lữ đoàn Công binh 270 . Ảnh: KIỀU LINH

Đoàn công tác kiểm tra trang thiết bị, phương tiện cứu hộ-cứu nạn tại Lữ đoàn Công binh 270 . Ảnh: KIỀU LINH

Trên đường cơ động vào kiểm tra Sư đoàn 315, Trung tướng Thái Đại Ngọc trao đổi thêm về kinh nghiệm vận dụng “4 tại chỗ” của các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương đều coi “hậu cần tại chỗ” là số lượng lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế... mà các cơ quan, đơn vị chuẩn bị từ trước.

Các địa phương ven sông, biển còn chủ động mua mì ăn liền, gạo sấy, nước đóng chai... để sẵn sàng đối phó với tình hình mưa lũ, bão gió kéo dài, hoặc bị cô lập. Quân khu có “Quỹ phòng, chống thiên tai” được trích từ các quỹ phúc lợi quốc phòng, hoặc từ các nguồn tăng gia, chăn nuôi... và kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ; vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp tiền lương, phụ cấp để tặng đồng bào nghèo vùng thiên tai, lụt bão.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Quân khu xác định “lực lượng tại chỗ” cơ bản là dân quân tự vệ, thanh niên xung kích và bộ đội địa phương, vì những lực lượng này trực tiếp trong dân và gần dân, do vậy sẽ kịp thời xử lý các tình huống ban đầu. Các lực lượng bộ đội chủ lực, biên phòng... phối hợp ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn hoặc khắc phục hậu quả sau thiên tai, lụt bão. Thực tế trong những năm qua, Quân khu 5 luôn coi trọng công tác huấn luyện lực lượng tại chỗ. Nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên được giao cho Lữ đoàn Công binh 270 và Lữ đoàn Công binh 280. Nội dung huấn luyện về PCTT-TKCN chủ yếu áp dụng với lực lượng công binh chuyên nghiệp, nhân viên lái thuyền nhôm máy đẩy ở cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu và bộ CHQS các tỉnh, thành phố. Còn ban CHQS các quận, huyện tổ chức huấn luyện cho lực lượng bộ đội tập trung và trung đội công binh về các nội dung: Sử dụng áo phao trong cấp cứu PCTT-TKCN; sơ cấp cứu nạn nhân bị lũ cuốn; các phương án cơ động lực lượng, phương tiện phục vụ sự cố sạt lở đèo, chia cắt giao thông, lũ quét, lốc xoáy.

Ở một số địa phương như Phú Yên có các “Đội xung kích chống bão”. Mỗi đội xung kích thường có 30 người. Thành phố Đà Nẵng có “Đội cứu hộ xung kích”-đội có gần 30 thuyền nhôm, mỗi thuyền có 5 người, đều “thiện chiến” với sông nước. Thực tế các mô hình “Đội xung kích chống bão”, “Đội cứu hộ xung kích” hoạt động hiệu quả, thường xuyên có mặt kịp thời ở những vùng lũ xung yếu, góp phần cùng các lực lượng đưa hàng vạn người dân từ vùng ngập sâu trong nước đến vị trí an toàn.

Đối với “phương tiện tại chỗ”, Quân khu sử dụng xe chuyên dùng của các đơn vị công binh, còn lại khi có tình huống xảy ra thì tùy theo mức độ mà huy động các loại phương tiện như xe tải, xe cẩu, ca nô, xuồng máy, thậm chí khi cần thiết còn huy động cả xe tăng, xe thiết giáp và tàu hải quân tham gia. Rút kinh nghiệm từ những mùa lũ trước, mấy năm gần đây, mỗi khi có mưa bão, nước sông trên mức báo động 2 thì Quân khu đã bố trí lực lượng thuyền nhôm máy đẩy của Lữ đoàn Công binh 270 túc trực 24/24 giờ trên hai hướng phía Nam cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng) và khu vực Vĩnh Điện, Hội An (Quảng Nam). Lực lượng trên mỗi hướng từ 20 đến 30 cán bộ, chiến sĩ, có đầy đủ máy thông tin kèm theo.

Một vấn đề quan trọng góp phần giúp LLVT Quân khu 5 chủ động trong PCTT-TKCN là thể hiện tốt vai trò chỉ đạo, chỉ huy tại chỗ. Quân khu thiết lập một đường dây nóng giữa Phòng Tác chiến, Ban PCTT-TKCN Quân khu với các cơ quan, đơn vị và bộ CHQS các tỉnh, thành phố với các đồng chí trưởng, phó ban PCTT-TKCN 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Quân khu còn thiết lập Sở chỉ huy tiền phương về PCTT-TKCN tại huyện Núi Thành (Quảng Nam), đây là vị trí trung tâm, thuận lợi cho chỉ đạo các địa phương chủ động PCTT-TKCN...

Chủ động, cơ động nhanh

Trao đổi với chúng tôi về bài học kinh nghiệm trong PCTT-TKCN, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương, Phó tư lệnh Quân khu 5 khẳng định: “Để kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu thường xuyên phát huy tính tích cực, chủ động, cơ động nhanh, giúp dân hiệu quả, thiết thực...”.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định... ngoài lực lượng trong ban chỉ huy PCTT-TKCN, UBND tỉnh chủ động cử cán bộ và cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT tại cơ sở. Các cơ quan công an, bộ CHQS tỉnh, ban CHQS huyện, hạt kiểm lâm... thành lập những đội xung kích cứu hộ và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để chủ động ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại trụ sở khi có mưa lớn, có tin bão gần. Số cán bộ đi công tác, đi phép hoặc đang nghỉ tại gia đình, khi có tin mưa, bão phải có mặt ngay tại đơn vị để nhận nhiệm vụ theo điều hành của ban chỉ huy các cấp.

Trong những lần đi cùng các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 tham gia PCTT-TKCN, chúng tôi nhận thấy tính tích cực, chủ động được thể hiện rõ trong ý thức của người dân. Tại Quảng Ngãi, người dân có những “phát minh” khá độc đáo. Những “phát minh” ấy đúc rút từ thực tiễn đã giúp bà con duy trì sự sống giữa vùng rốn lũ như: Bếp “dã chiến”, ghe đa tác dụng, bể nước di động, bè chuối “cõng” rau xanh...

Bếp “dã chiến” chỉ có 3 viên gạch vỡ kê trong chiếc thau nhôm, bên trong rải một lượt tro khô. Bếp sử dụng rất tiện lợi, vừa gọn nhẹ, kín gió mà lại tiết kiệm củi. Khi cần có thể di chuyển khắp nơi trong vùng lũ. Ghe đa tác dụng được sử dụng trong trường hợp lũ lớn. Mọi sinh hoạt từ nấu ăn, đi lại và ngủ, nghỉ đều diễn ra ở đó. Ghe được buộc vào một vị trí cố định, nước dâng cao tới đâu thì ghe nổi tới đó... Nhân dân các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) còn chủ động xây hầm chữ “A” để tránh mưa, bão. Hầm được chọn ở vị trí cao ráo, bên trong để sẵn lương khô, mì ăn liền, nước uống, phòng khi có bão lớn, nguy cơ nhà cửa bị sập đổ thì người dân xuống hầm trú ẩn...

Với tinh thần “chủ động là trên hết”, “cứu dân là mệnh lệnh cao nhất”, từ năm 2014 đến nay, Quân khu 5 đã huy động gần 320.000 lượt bộ đội, dân quân; hơn 6.600 phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng tham gia ứng phó thảm họa, thiên tai và TKCN, đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; quyên góp, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại hàng tỷ đồng...

Hình ảnh người chiến sĩ “Khu 5” sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, xông pha trong bão, lũ quên mình cứu giúp những người bị nạn đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/llvt-quan-khu-5-chu-dong-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-797622