LLVT tỉnh Bình Thuận căng sức giúp dân chống hạn
Do nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Thuận xảy ra hạn hán nghiêm trọng, hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Bằng trách nhiệm, nghĩa tình với nhân dân, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời giữ vai trò nòng cốt giúp dân chống hạn, cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng phương châm '4 tại chỗ'.
Hạn nặng gây đảo lộn cuộc sống và sản xuất nông nghiệp
Nắng nóng rát mặt, chúng tôi theo con đường đất khô khốc, trắng xóa ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đến những vườn thanh long trải dài, úa vàng. Cạnh tuyến đường này là kênh thủy lợi đã cạn nước từ nhiều tuần trước. Đang cắm cúi cắt bỏ những cây thanh long chết khô, bà Võ Thị Biển, ngụ xã Hàm Cần than thở: “Nắng nóng như đổ lửa nhiều tháng qua khiến 2ha thanh long của gia đình tôi héo quắt do thiếu nước tưới. Ngày nào tôi cũng phải đi cắt bỏ những cây chết khô, bỏ bớt lá úa để tăng sức chịu đựng cho cây. Những cây thanh long còn chống chọi được với hạn cũng không có trái hoặc chỉ cho trái nhỏ, chất lượng kém. Hạn hán nghiêm trọng đến mức chúng tôi đã tìm mọi cách khoan giếng sâu hơn 30m cũng không tìm được nguồn nước”.
Xã Thuận Hòa là địa bàn xảy ra hạn hán nghiêm trọng ở huyện Hàm Thuận Bắc. Xã có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, phần lớn sống dựa vào nông nghiệp. Dẫn chúng tôi đến những giếng cạn khô đáy, ông Mang Hùng, Trưởng thôn Dân Hiệp (xã Thuận Hòa) giọng buồn rầu: “Nắng nóng kéo dài hơn 4 tháng qua đã làm nhiều người dân bị thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, mặc dù địa phương đã khoan giếng, nạo vét ao, suối nhưng đều không còn nước. Hạn hán làm đời sống của bà con trong thôn đảo lộn, sản xuất trước đây vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn đang đối mặt với thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 31.000 hộ dân, trong đó gần 9.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, tập trung nhiều ở hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Hạn hán khiến mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh cũng hạ thấp nhanh; nhiều hồ, đập, sông, suối tự nhiên cạn trơ đáy. Lượng nước tại các hồ thủy lợi còn 115/363 triệu mét khối và chỉ đạt 31% thiết kế; làm hơn 900ha cây trồng vụ đông xuân năm 2023-2024 và gần 1.100ha thanh long bị thiếu nước tưới từ cuối tháng 4-2024 đến nay, làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng của cây trồng, nhân dân thiếu việc làm, đời sống, sinh hoạt bị đảo lộn.
Sát cánh giúp dân bằng phương châm "4 tại chỗ"
Trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều chương trình giúp dân chống hạn, cấp nước sinh hoạt giúp dân ổn định cuộc sống. Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chở nước sinh hoạt đến tận các thôn, cụm dân cư cấp miễn phí cho người dân, tích cực tuyên truyền tiết kiệm nước, bảo đảm sức khỏe mùa nắng nóng. Bà K’Y Vôn ở xã Thuận Hòa chia sẻ: “Tháng trước, gia đình tôi ra sức nạo vét giếng nhưng đợi mãi cũng không có nước. Mỗi ngày tôi phải bỏ số tiền từ 35.000 đến 50.000 đồng để mua nước sử dụng cho sinh hoạt. Giờ đây, nhờ được cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bình Thuận và chính quyền địa phương phối hợp cấp nước sinh hoạt miễn phí nên bước đầu đã ổn định cuộc sống, không phải lo "chạy nước" từng ngày nữa".
Tại thôn Lò To, xã Hàm Cần, khi 3 xe ô tô của Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận vừa chở nước đến thì đã có rất đông người dân mang theo nhiều thùng, can chờ sẵn đợi lấy nước. Ngoài bơm đầy tất cả những thùng lớn do UBND xã Hàm Cần đặt tại trung tâm các thôn để cấp nước hằng ngày cho các hộ người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh còn bơm đầy nước vào bể, bồn của các hộ dân để cùng chia sẻ trong những ngày hạn nặng. Chương trình cấp nước của Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận đã giúp gần 200 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu của thôn Lò To vượt qua những ngày hạn hán. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ chia những thùng nước cho người dân, chia sẻ những giọt nước nghĩa tình đã mang lại hình ảnh đẹp về tình quân dân sâu nặng. Đại tá Nguyễn Anh Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận cho biết: "Chúng tôi xác định giúp dân chống hạn là nhiệm vụ chính trị của đơn vị nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân lúc khó khăn trên tinh thần sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với nhân dân. Chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương khảo sát, đánh giá đúng tình hình, sát với từng địa bàn, cụm dân cư, từ đó triển khai nhiều biện pháp thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, phương tiện, con người, phương án điều tiết nước). Từ ngày 25-4 đến nay, đơn vị đã cấp hơn 1.700m3 nước cho người dân vùng hạn”.
Cùng với chương trình cấp nước sinh hoạt cho địa bàn hạn hán, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, củng cố, mở rộng, khơi thông hệ thống thủy lợi, hồ đập tích nước trên địa bàn xảy ra hạn nặng, xây dựng phương án điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân. Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, gieo trồng, bố trí cây trồng phù hợp, hướng dẫn người dân áp dụng các kỹ thuật sử dụng nước tiết kiệm và tổ chức lực lượng nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi; đồng thời cân đối, điều phối nguồn nước phù hợp, trong đó ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí bảo đảm cấp nước sinh hoạt đến 100% hộ dân, xây dựng công trình thủy lợi, hồ, đập tích, trữ nước đồng bộ, có khả năng phục vụ sản xuất cả trong thời điểm hạn hán xảy ra.
Bài và ảnh: DUY NHÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.