LLVT tỉnh Trà Vinh: Chung tay chăm lo đồng bào dân tộc Khmer
Đồng bào Khmer là dân tộc thiểu số sinh sống đông nhất ở tỉnh Trà Vinh. Thực hiện chủ trương về tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, 'thế trận lòng dân' trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Rộn ràng phum, sóc
Giữa trưa một ngày đầu tháng 1-2025, khi gió bấc còn se lạnh, lúa ngoài đồng đang no sữa lắc lư đón nắng, bên ấp Sóc Ruộng, xã Hòa Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), bà con cười nói rôm rả, tập trung khiêng đất gia cố lề, dặm, tỉa hoa kiểng ven đường chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Trên con đường bê tông mới vừa khô, bà Kiên Sơn Liễu phấn khởi cho biết: “Mấy ngày nay bà con vui lắm. Đường đẹp, mùa màng lại trúng lớn, lúa, dừa lên giá nên ai cũng phấn khởi”. Bước đi với vẻ mặt rạng rỡ, bà Thạch Thị Huông hồ hởi: “Từ nay, bà con trong ấp Sóc Ruộng không còn chịu cảnh đường đất sình lầy, trơn trượt mỗi mùa mưa nữa. Tết này, Sóc Ruộng khang trang rồi”.
Thông tin thêm về sự đổi thay của quê hương, đồng chí Kiên Phi Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Sóc Ruộng chia sẻ: “Từ ngày Ban CHQS huyện Cầu Kè hỗ trợ làm con đường, người dân trong ấp vui mừng lắm. Khi đường vừa xong, bà con cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên tiếp tục tổ chức đắp đất, mở rộng lề đường, trồng cây xanh, hoa kiểng ven tuyến để chuẩn bị đón Tết. Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị vài trăm cây hoa vạn thọ để trồng phía trước nhà, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp”.
Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cầu Kè cho biết, con đường bê tông dài 680m, rộng 2m nối liên hoàn hệ thống giao thông xã Hòa Tân về trung tâm huyện Cầu Kè là thành quả từ sự hỗ trợ kinh phí và nhân lực của Ban CHQS huyện. Đây không chỉ là công trình giao thông đơn thuần, con đường đã thắp sáng hy vọng đổi thay, mang đến những bước ngoặt trong đời sống kinh tế-xã hội của người dân vùng quê còn nhiều khó khăn.
“Được Huyện ủy, UBND huyện đồng ý, Ban CHQS huyện đang triển khai xây dựng mô hình “đường xong, đèn sáng”. Tuyến đường thí điểm đầu tiên với 30 trụ đèn năng lượng mặt trời vừa được hoàn thành vào cuối năm 2024 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đường thông, sáng không chỉ giúp bà con đi lại an toàn vào ban đêm mà còn góp phần giảm tệ nạn xã hội”, Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè: Năm 2024 địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các mô hình “dân vận khéo” của Ban CHQS huyện đã phát huy rất hiệu quả, như: “Một ngày dã ngoại giúp dân”, “Mái ấm dân quân”, “Tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn”, “Mỗi tuần một việc làm có ý nghĩa”. Nhờ vậy, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ngày càng được nâng cao; niềm tin vào cấp ủy, chính quyền ngày càng vững chắc.
“Qua 13 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (2011-2024), giờ đây huyện Cầu Kè đã có nhiều đổi thay. Năm 2019 đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đến năm 2023 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Ban CHQS huyện”, đồng chí Nguyễn Hoàng Khải khẳng định.
Gắn kết tình quân dân
Đồng bào dân tộc Khmer toàn tỉnh Trà Vinh chiếm khoảng 33% dân số, nhiều gia đình còn rất khó khăn. Xác định thực hiện công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, hằng năm Bộ CHQS tỉnh chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là Ban Dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch, huy động mọi nguồn lực giúp đỡ nhân dân.
Đại tá Phạm Thành Lộc, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh cho biết: “LLVT tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế-xã hội; tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, được bà con hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả”.
Với hơn 32% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, huyện Cầu Kè hiện có 22 ngôi chùa Khmer, trong đó chùa Ô Mịch và chùa Tà Ốt được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè cho rằng: “Với truyền thống đoàn kết dân tộc, các chức sắc, chức việc luôn phát huy tốt vai trò và uy tín thực hiện các phong trào, cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và LLVT phát động. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động phá hoại, nhất là đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi rất phấn khởi khi quê hương ngày càng đổi thay; đặc biệt hạ tầng giao thông ngày càng được quan tâm đầu tư rộng khắp đến tận vùng sâu, địa bàn khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân”.
Trong căn nhà “Mái ấm dân quân” khang trang vừa được trao tặng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Mai Thanh Ngọc, dân quân ấp Bưng Lớn A, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè không giấu được niềm vui. “Nhờ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ban CHQS huyện giúp gia đình tôi có điều kiện sửa chữa lại căn nhà. Tết năm nay, gia đình tôi sẽ được đón một mùa xuân thật ấm cúng trong ngôi nhà đầy nghĩa tình này”, bà Nguyễn Thị Hai, mẹ đồng chí Mai Thanh Ngọc xúc động nói.
Đại tá Trương Văn Thẩm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Nhằm xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn, hằng năm nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta, Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer, Bộ CHQS tỉnh và ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức đến thăm, tặng quà các chùa, gia đình cán bộ, quân nhân là người dân tộc Khmer; thực hiện nhiều công trình, phần việc bảo đảm an sinh xã hội. Chúng tôi còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khmer được nghỉ lễ, tết của đồng bào dân tộc; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Nhìn chung, quân nhân là con em đồng bào dân tộc Khmer rất tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm công tác, luôn nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Khmer của LLVT tỉnh Trà Vinh đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng châu thổ sông Cửu Long, đồng thời tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.