Lỗ 31.360 tỉ đồng năm 2022, EVN kiến nghị sớm tăng giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành xem xét sớm điều chỉnh giá điện để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao.
Ngày 21-12, EVN tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại hội nghị, ông Nguyễn Tài Anh- Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, giá bán lẻ điện đã được giữ ổn định gần 4 năm qua trong khi giá nhiên liệu sản xuất điện, tỷ giá đều tăng mạnh khiến EVN khó cân đối tài chính và chịu lỗ nặng trong năm 2022.
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2022 của EVN ước đạt 460.700 tỉ đồng, tăng 4,31% so với 2021, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.
Theo ông Trần Đình Nhân- Tổng Giám đốc EVN, năm 2022, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các sự kiện quan trọng của đất nước.
Đồng thời, Tập đoàn thực hiện tiết kiệm, tiết giảm chi phí tối đa để giảm lỗ. Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí nêu trên là 33.445 tỉ đồng. “Nếu EVN không áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí thì số lỗ năm 2022 có thể lên đến gần 65.000 tỉ đồng thay vì hơn 31.000 tỉ đồng”- Ông Trần Đình Nhân lý giải.
Mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Nêu thực tế vận hành hệ thống điện trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, ông Nguyễn Đức Ninh- Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, việc thiếu than cho sản xuất điện hồi tháng 3, tháng 4 năm nay đã ảnh hưởng khá nhiều đến hệ thống điện. Công suất nhiệt điện than không huy động được lên tới 3.000- 4.000 MW. Ở miền Nam, việc cung ứng khí cũng giảm, tối đa chỉ đến 70% nên buộc phải huy động các nguồn điện giá cao như dầu DO.
“Thủy điện khai thác cũng chỉ đạt 36%; điện than, năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, làm chi phí giá điện cao. Trước đây, giá than trung bình khoảng 140 USD/tấn thì đến nay đã tăng lên 400 USD/tấn. Giá bán lẻ điện bình quân theo quy định hiện hành là 1.864 đồng/kWh nhưng giá biến đổi của các nhà máy điện lên tới trên 2.000 đồng/kWh, thậm chí cộng toàn phần còn lên tới gần 4.000 đồng/kWh”- ông Nguyễn Đức Ninh nói.
Ông Lê Văn Danh- Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 3 cũng nhận định, khó khăn về nhiên liệu sản xuất đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Lê Văn Danh, với mặt hàng than, trong quý I và quý II năm nay, giá than nhập khẩu đã tăng 4,2 lần so với năm 2020 và 2,2 lần so với năm 2021. Ngoài ra, tỷ giá cũng biến động mạnh.
“Có thời điểm lỗ chênh lệch tỷ giá là 2.600 tỷ đồng, trong khi giá trị sản xuất chỉ 3.000 tỷ đồng, giờ tỷ giá đang giảm xuống nhưng chưa đáng kể”- ông Lê Văn Danh cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, con số lỗ hơn 31.000 tỷ đồng của EVN là rất đáng lưu tâm.
EVN lỗ khách quan do thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chi phí đầu vào tăng không ngừng, giá đầu ra không tăng, không đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh thì không ổn. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh vừa đề nghị EVN tiết giảm chi phí hoạt động hơn nữa, vừa kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá điện.
“Giá điện phải tính toán theo chu kỳ, để có đề xuất quyết liệt để tăng giá theo thị trường khi đầu vào tăng. Các đơn vị đều lập chỉ tiêu hàng năm đều tính chi phí gia tăng sao chúng ta không làm’- ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
EVN cũng cho biết, nhiệm vụ năm 2023 là khá nặng nề. Do đó, để triển khai nhiệm vụ năm 2023, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014 Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về giá bán lẻ điện bình quân, đề xuất Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi nhằm giảm bớt khó khăn cho tập đoàn.