Lo bị phạt nguội, lái xe dè chừng
Hình thức phạt nguội tốn công sức, thời gian nhưng đây là biện pháp hữu hiệu giúp lái xe tự giác chấp hành nghiêm các quy định về giao thông ở bất cứ đâu và khi nào.
Mặc dù số người bị xử lý chưa nhiều nhưng xử phạt vi phạm giao thông bằng hình ảnh (phạt nguội) có tính răn đe rất cao. Nhiều lái xe không dám vi phạm, kể cả ban đêm khi không có cảnh sát giao thông hay ở những đoạn đường vắng.
Không biết bị phạt
Anh Nguyễn Mạnh Th. ở thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) mang ô tô con đi kiểm định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, anh Th. được thông báo xe đã vi phạm tốc độ ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vào ngày 5.11.2019 nhưng chưa nộp phạt. Kiểm tra lịch đi lại trong năm, anh Th. cho biết vào khoảng thời gian này có đi vào khu vực trên để thăm người nhà nhưng không biết đã vi phạm tốc độ.
Tại đơn vị đăng kiểm trên, mặc dù ô tô của anh Th. đạt tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, đủ điều kiện chứng nhận đăng kiểm trong 1năm nhưng do lỗi trên nên chỉ được cấp chứng nhận lưu hành trong thời hạn 15 ngày. "Rất bất ngờ nhưng tôi thừa nhận đã vi phạm vì hình ảnh, địa bàn và thời gian rất chính xác. Chắc chắn từ nay tôi sẽ phải đi lại hết sức cẩn thận, chú ý biển báo và các quy định khác để tránh bị phạt nguội", anh Th. cho biết.
Theo nhân viên kiểm định, anh Th. phải nộp phạt xong mới được đăng kiểm phương tiện do xe nằm trong diện "cảnh báo tạm dừng đăng kiểm" của Cục Đăng kiểm Việt Nam vì vi phạm nhưng chưa nộp phạt. Đây là quy định mới được thực hiện từ ngày 1.1.2020.
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị phạt nguội trong thời gian qua. Theo đại diện một số đơn vị đăng kiểm ô tô trong tỉnh, dù không có thống kê đầy đủ song hầu như tuần nào cũng có một vài trường hợp bị phạt nguội, chỉ khi mang xe đến kiểm định chủ xe mới biết. Số người vi phạm bị phạt nguội có xu hướng ngày càng tăng. Những trường hợp này đều vi phạm ở tỉnh khác, nhiều nhất là ở các tỉnh miền Trung. Một số trường hợp cho mượn xe, cho thuê xe tự lái cũng rơi vào tình huống này.
Tại Hải Dương, do trên các quốc lộ chưa lắp đặt hệ thống camera, trong khi camera trong đô thị chưa kết nối để xử phạt vi phạm giao thông nên chưa có trường hợp nào bị phạt nguội. "Đây là hình thức xử lý vi phạm giao thông có tính răn đe rất cao khiến người lái xe buộc phải chấp hành các quy định giao thông, kể cả khi một mình một đường.
Các trường hợp mang xe đi kiểm định mới biết bị xử phạt dù rất bất ngờ nhưng đều phải thừa nhận vi phạm. Hình thức xử phạt này cần sớm được áp dụng tại Hải Dương để nâng cao ý thức chấp hành quy định về giao thông cho lái xe", đại diện Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-02D (TP Chí Linh) nêu ý kiến.
Trong trường hợp lái xe thắc mắc về lỗi, địa bàn, thời gian vi phạm đơn vị đăng kiểm sẽ cung cấp số điện thoại của cơ quan ra quyết định xử phạt để lái xe liên hệ để có được câu trả lời thỏa đáng. Nếu không chấp hành, lái xe có thể tự quyết định có hoặc không đăng kiểm xe.
Đa dạng hình thức phạt nguội
Theo quy định của pháp luật, ngoài xử phạt thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, nhiều hành vi vi phạm cũng sẽ bị xử lý thông qua các kênh khác nhau.
Mới đây, 4 thanh niên ở huyện Thanh Hà đã bị Công an TP Hải Dương ra quyết định xử phạt hành chính tổng số 12.150.000 đồng do cản trở ô tô chở tân binh. Vi phạm trên bị phát hiện và xử lý thông qua mạng xã hội.
Cụ thể, người lái xe ô tô chở thanh niên lên đường nhập ngũ đã dùng điện thoại phát trực tiếp trên Facebook hình ảnh các thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang, lạng lách... Khi bị triệu tập, những thanh niên này buộc phải thừa nhận hành vi vi phạm.
Tương tự như vậy, mới đây Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã xử phạt anh Phạm Mạnh H. ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng do không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Lúc 7giờ 34 ngày 3.2, anh H. lái ô tô tải 34C-192.95 dừng xe khi gặp đèn xanh khiến các xe sau ùn lại. Hành vi trên đã bị camera hành trình của ô tô phía sau ghi lại và lái xe đã đăng clip lên Facebook.
Theo trung tá Nguyễn Đại Phong, Đội trưởng Đội xử lý vi phạm (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) việc phạt nguội trong thời gian vừa qua là một điểm mới được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Qua nắm bắt dư luận cho thấy lái xe đã bắt đầu tự nâng cao ý thức khi điều khiển phương tiện, vì nếu cố tình vi phạm dù không bị xử phạt tại chỗ thì cũng có thể bị phạt nguội. Trước đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông của Chính phủ chưa quy định hình thức xử phạt này khiến nhiều lái xe nhờn luật.
Tuy là một quy định mới rất hiệu quả răn đe nhưng việc phạt nguội hiện còn khó khăn. Để xử phạt được một trường hợp vi phạm qua hình ảnh tốn công sức, thời gian gấp nhiều lần khi xử phạt tại chỗ.
Khi phát hiện một clip trên mạng xã hội hoặc do người dân chuyển đến, lực lượng cảnh sát giao thông phải xác minh thời gian, địa điểm, con người, địa chỉ, tra cứu phương tiện, ra thông báo, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Nếu thông báo lần 1, lần 2 mà lái xe không đến, cảnh sát giao thông phải về tận địa phương (kể cả ở ngoài tỉnh) để làm việc.
Nhiều trường hợp mất thời gian để tìm kiếm nhưng không xử lý được vì xe đã bán qua nhiều người nhưng không sang tên, đổi chủ; biển số giả, mờ số; chủ xe và lái xe khác nhau... "Mặc dù khó khăn nhưng không vì thế mà việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh bị xem nhẹ. Về lâu dài, đây sẽ là một biện pháp tốt để phòng ngừa vi phạm", trung tá Nguyễn Đại Phong nói.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-toan-giao-thong/lo-bi-phat-nguoi-lai-xe-de-chung-129210