'Lo chạy lũ trước, thóc gạo tính sau'

Mưa lũ nhiều ngày khiến cho hàng ngàn hộ dân ở Thừa Thiên-Huế rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Gần 16 giờ chiều 15-10, bà Nguyễn Thị Luân (55 tuổi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) lúi húi dựng lại cây đu đủ bị nước lũ quật ngã ở góc vườn.

“Lũ cuốn trôi hết cả, chỉ còn mấy cọng rau thôi” - bà Luân nói buồn.

Còn người còn của

Bà Luân sống một mình trong căn nhà cấp bốn lụp xụp ở thôn Phú Ngạn. Bà là một trong những hộ nghèo nhất nhì xã Quảng Thành. Trong nhà tài sản có giá trị nhất là đàn vịt xiêm mà bà bỏ công gây giống suốt hai năm qua.

Mấy hôm nước lũ lên cao gần đầu người, bà Luân dồn chúng lên gác, khóa cửa lại rồi chạy sang nhà bà con ở nhờ.

Sáng nay nước rút, bà trở về nhà thì thấy đàn vịt mấy chục con chết hết cả. Riêng đôi vịt giống thì không thấy đâu nữa.

“Tiếc quá trời, quá đất. Mấy bữa định bán mà thấy còn non nên ráng nuôi thêm, bán cho được giá. Giờ thì mất hết cả. Nhà hàng xóm có đàn vịt 20 con mới nở, họ thương nên hứa cho tui đôi vịt mới để gây giống sau khi nước rút. Thôi thì còn người còn của, mình chịu khó làm lại từ đầu vậy” - bà tâm sự.

Những ngày qua, nước lũ dâng cao khiến hàng ngàn người dân xã Quảng Thành lao đao. Bà Nguyễn Thị Sáu (xóm 5) chua chát bảo mấy hôm nước dâng nhanh quá, cả gia đình chỉ biết leo vội lên gác tránh lũ. Khoảng 40 chục bao thóc phía dưới bị ướt hết sạch. Hôm nay tranh thủ tạnh mưa, nước rút, bà cùng các con mang thóc ra đường phơi, cứu được chừng nào hay chừng đó.

“40 bao tính ra khoảng 2 tấn cô ạ, xót ruột! Giờ thóc này chỉ cho vịt ăn chứ mình ăn sao được nữa” - bà nén tiếng thở dài.

Tương tự, anh Nguyễn Bình (xóm 1) cho biết nước hiện đã rút so với mấy hôm trước. Tuy nhiên, nước có thể lên lại trong những ngày tới do ảnh hưởng của bão số 8.

“Lũ lên thì phải lo chạy trước, tài sản tính sau. Nhà thì ướt thóc, nhà thì trôi mất trâu, bò. Tôi làm nghề xay xát thóc, đậu nên máy móc coi như ướt hết cả” - anh Bình cho hay.

Dù nước rút, nhiều khu vực tại xã Quảng Thành vẫn còn ngập sâu. Ảnh: T.AN

Dù nước rút, nhiều khu vực tại xã Quảng Thành vẫn còn ngập sâu. Ảnh: T.AN

Bà Nguyễn Thị Luân cố níu dựng lại cây đu đủ bị ngã gãy do mưa lũ. Ảnh: T.AN

Bà Nguyễn Thị Luân cố níu dựng lại cây đu đủ bị ngã gãy do mưa lũ. Ảnh: T.AN

Hàng ngàn hộ dân cần hỗ trợ

Chiều 15-10, nhiều khu vực tại xã Quảng Thành vẫn còn ngập sâu 1-1,5 m. Mưa lũ khiến đường về xã này hết sức khó khăn, nhiều nơi người dân phải di chuyển bằng thuyền. Xã cũng đã cắt điện nhiều ngày qua để đảm bảo an toàn cho bà con.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch xã Quảng Thành, cho biết gần như cả xã đều bị ngập, chỉ còn khoảng 3% là nước chưa vào nhà, khoảng 50% nhà bị ngập từ 1,5 m trở lên.

Trước tình hình đó, xã đã cứu trợ khẩn cấp trên 600 thùng mì tôm cho hơn 1.000 hộ, ưu tiên các hộ nghèo, bị chia cắt do ngập sâu.

“Do số lượng có hạn nên chúng tôi đành cấp một thùng mì cho 4-5 nhà để bà con tạm thời không bị đói rồi tính tiếp.

Xã có chín thôn thì gần như bị ngập hết. Hiện nước đã rút bớt nhưng nhiều thôn vẫn còn ngập sâu, những ngày tới nếu tiếp tục mưa thì nước có thể lên lại. Trước mắt là thiệt hại về rau màu và gia súc, còn tài sản thì sau khi nước rút mới thống kê được” - vị chủ tịch xã nói.

Hiện toàn xã Quảng Thành có 155 hộ nghèo. Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quảng Điền, cho hay toàn huyện có bảy xã bị ngập nặng gồm các xã Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng An. Ngoài gạo, mì tôm, đồ dùng thiết yếu thì bà con cũng rất cần hỗ trợ tiền để mua tôn lợp lại mái nhà.

Tại huyện Phong Điền, ông Lê Tấn Phanh, Phó Chủ tịch xã Phong Bình, cho biết địa phương này là một trong những vùng trũng của huyện nên năm nào cũng bị ảnh hưởng nặng.

“Nước ngập cao, nhà nào cũng vào gần 2 m, thiệt hại về lúa rất nhiều, gần 1.000 tấn trong toàn xã. Vừa rồi có hai khu vực là thôn Vân Trần và Đội ngư nghiệp Tân Bình bị ngập nặng nhưng nhiều ngày không tiếp cận được. Hiện chúng tôi đã tiếp cận được khu vực này nhưng vẫn còn khó khăn. Khoảng 650 hộ cần cứu trợ, trước mắt xin hỗ trợ mì tôm, gạo, nước mắm, các nhu yếu phẩm” - ông Phanh nói.

Trong tuần này, Pháp Luật TP.HCM sẽ đến tận nơi ở Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) để trao phần tiền, quà của các mạnh thường quân hỗ trợ.

TP.HCM hỗ trợ 1,3 tỉ đồng cho các tỉnh miền Trung

Tại buổi họp báo, chiều 15-10, sau ngày làm việc thứ nhất của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo, chấp thuận chủ trương tổ chức đoàn công tác TP thăm và hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 6 gây ra với số tiền 1,3 tỉ đồng.

Trong đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 500 triệu đồng, tỉnh Quảng Nam 500 triệu đồng và tỉnh Quảng Ngãi 300 triệu đồng. Số tiền này được trích từ nguồn quỹ cứu trợ của TP.

LÊ THOA - TÁ LÂM

Thừa Thiên-Huế xin hỗ trợ khẩn cấp

Tính đến trưa 14-10, tỉnh Thừa Thiên-Huế có gần 85.000 nhà dân bị ngập sâu 1-2,5 m, có nơi còn sâu hơn, trong đó nặng nhất là thị xã Hương Trà 19.090 nhà, huyện Quảng Điền 16.228 nhà, huyện Phong Điền 13.003 nhà. Có 11 nhà dân bị sập, tốc mái, hư hỏng.

Chính quyền địa phương đã sơ tán 12.075 hộ với 37.190 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tỉnh đã xuất cấp từ nguồn dự trữ hơn 35.000 thùng mì tôm, 18 tấn gạo, hàng ngàn chai nước ngọt đến những vùng bị nước lũ cô lập ở TP Huế, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền…

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có tờ trình đề nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 2 tấn lương khô, 10.000 thùng mì ăn liền, 20 tấn hóa chất tiêu độc sát trùng benkocid và một số vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

TÂM AN - HÀ HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/lo-chay-lu-truoc-thoc-gao-tinh-sau-944226.html