Lo cho trẻ mồ côi đến trường

Cũng như nhiều gia đình có con đi học, từ giữa tháng 8 đến nay, những người phụ trách quản lý, điều hành tại 15 cơ sở bảo trợ xã hội dân lập được Nhà nước cấp phép hoạt động đang tất bật lo cho trẻ có đầy đủ quần áo, giày dép, sách vở… để sẵn sàng đến trường.

Đại đức Thích Thiện Huy, Phó trụ trì chùa Long Phước Điền (xã Long Phước, huyện Long Thành), kiểm tra sách vở học tập của trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây. Ảnh: S.Thao

Đại đức Thích Thiện Huy, Phó trụ trì chùa Long Phước Điền (xã Long Phước, huyện Long Thành), kiểm tra sách vở học tập của trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây. Ảnh: S.Thao

Nỗ lực này đã góp phần đảm bảo cho trẻ em mồ côi, trẻ không nơi nương tựa được tiếp tục học tập.

Không để trẻ thiếu quần áo, sách vở…

Trong số 1,3 ngàn trường hợp được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập thì có khoảng 400 trẻ em. Ngoài một số trường hợp chậm phát triển trí tuệ, bị khuyết tật nặng thì tất cả trẻ em đều được đến trường.

Tại Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) đang chăm sóc 40 trẻ và các em đều được tạo điều kiện đến trường. Nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm, cho hay cận kề năm học mới là thời điểm áp lực nhất đối với cơ sở khi phải chuẩn bị cho tất cả các em quần áo, sách vở, giày dép, bút viết và kinh phí để đi học. Vì vậy, sự trợ giúp từ các mạnh thường quân vào thời điểm này giúp cơ sở giảm được áp lực khá nhiều.

Tương tự, tại Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) hiện đang chăm sóc khoảng 180 trẻ. Ngoài chăm sóc về miếng ăn, giấc ngủ, rèn luyện đạo đức, cơ sở cử người đưa đón các em đến trường ở từng cấp học.

Theo nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), hầu hết trẻ khi đến với cơ sở thì không có bất kỳ thông tin hay giấy tờ chứng minh nhân thân nào. Ngay sau khi tiếp nhận trẻ, cơ sở đã liên hệ với chính quyền địa phương và được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thủ tục liên quan, trong đó có cấp khai sinh cho từng em. Nhờ vậy mà việc làm thủ tục nhập học về sau cho các em thuận lợi.

Từ năm 2009 đến nay, cơ sở đã có gần 40 trẻ trưởng thành, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học. Mỗi khi bắt đầu vào năm học mới, cơ sở phải chuẩn bị hàng trăm triệu đồng để lo các khoản đóng góp đầu năm và quần áo, giày dép, sách vở cho từng em. Tuy lo cho các em đi học là áp lực lớn song cơ sở luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và động viên các em cố gắng nỗ lực để học tập. Vì đây là con đường mở ra tương lai và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em sau này.

Cơ sở bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, huyện Định Quán) được cấp phép hoạt động từ năm 2008. Qua thời gian, nhiều thế hệ trẻ em được tạo điều kiện đi học đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và xây dựng gia đình riêng. Hiện cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng 40 trẻ. Trong đó, trẻ nhỏ nhất vừa tròn năm còn lớn nhất đang là sinh viên.

Để trẻ có điều kiện đến trường, trước thời điểm bắt đầu năm học mới, cơ sở tìm mua sách giáo khoa, đồng phục cho trẻ. Do trẻ đều còn nhỏ mà trường cách khá xa nơi ở nên cơ sở bố trí xe đưa - đón trẻ em đi học an toàn.

Ông Phạm Văn Ngữ, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội nhân ái Bạch Lâm (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất), cho biết cơ sở có 8 trẻ em đang tuổi đến trường. Hầu hết trẻ trong cơ sở có sức học trung bình nhưng không vì thế mà trung tâm lơ là việc học của các em. Ngược lại, cơ sở chuẩn bị chu đáo quần áo, dụng cụ học tập… cho từng em. Đồng thời, còn bố trí giáo viên kèm cặp tại cơ sở cho các em ở những môn căn bản như: Toán, Ngoại ngữ…

Dạy học miễn phí cho trẻ không đến trường

Cùng với chăm sóc, tạo điều kiện cho những trẻ em mồ côi tại cơ sở đi học, các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập còn giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ngoài cộng đồng thông qua các lớp học miễn phí.

Nhiều năm qua Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi giáo xứ Hà Nội đã duy trì tổ chức các lớp bổ túc cho trẻ em bán vé số, trẻ em theo cha mẹ làm thuê không có nơi ở cố định… không được đi học. Theo đó, có 110 trẻ em theo học lớp bổ túc này.

Trẻ em tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi giáo xứ Hà Nội (thành phố Biên Hòa) đọc sách tại thư viện của trung tâm.

Trẻ em tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi giáo xứ Hà Nội (thành phố Biên Hòa) đọc sách tại thư viện của trung tâm.

Các trẻ này được trung tâm mời giáo viên từ nhiều trường về đứng lớp. Dù kinh phí hỗ trợ cho giáo viên tham gia giảng dạy chỉ tượng trưng nhưng tất cả đều hết lòng truyền đạt kiến thức cho các em học. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức bữa ăn giữa giờ miễn phí cho trẻ theo học tại đây nhằm giúp trẻ đủ dinh dưỡng để học tập.

Tương tự, những năm qua lớp học tiếng Anh được đại đức Thích Thiện Huy tổ chức tại chùa Long Phước Điền (huyện Long Thành) mở miễn phí dành cho trẻ em muốn học ngoại ngữ tại địa phương.

Theo đại đức Thích Thiện Huy, hiện cơ sở đang chăm sóc 56 trẻ em, học sinh, sinh viên. Bé nhỏ nhất mới 2 tuổi và lớn nhất đang là sinh viên năm thứ 3. Những lớp học miễn phí là Ngoại ngữ, Tin học, Toán không chỉ dành cho trẻ em trong chùa mà con em trong cộng đồng cũng tham gia học tập. Em T.P.P. đang học lớp 9 cho hay, em đến với chùa từ lúc còn rất nhỏ. Những năm qua, em được đại đức Thích Thiện Huy cùng các tăng, ni khác tạo điều kiện để được đến trường.

Đại đức Thích Thiện Huy còn lập Quỹ Từ thiện Phước Việt với 13 thành viên là các nhà tu hành, mạnh thường quân. Quỹ được lập ra với mong muốn tiếp sức cho học sinh theo đuổi ước mơ học tập để tìm việc làm ổn định trong tương lai, đồng thời, trợ giúp cho bà con khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/lo-cho-tre-mo-coi-den-truong-ea851e2/