'Lò chống tham nhũng vẫn nóng'

'Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh PCTN không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn', Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nói.

Sáng 12/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Gần 700 đại biểu dự hội nghị tập trung và gần 5.000 đại biểu tại hơn 80 điểm cầu trên cả nước dự hội nghị trực tuyến.

Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác PCTN; rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, hội nghị xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả công tác PCTN thời gian tới.

Hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật

Theo dự thảo báo cáo tổng kết đánh giá, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (tháng 2/2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cuộc đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao tới dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao tới dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Theo TTXVN, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang. Kỷ luật trong Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.

Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 87.000 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật; trong đó, trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng.

Các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình.

Theo báo cáo, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với đó, các cơ quan tố tụng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 ủy viên Bộ Chính trị, 7 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Công tác chống tham nhũng vẫn quyết liệt

Trước đó, tại buổi họp báo thông tin về hội nghị, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết từ khi Ban Chỉ đạo thành lập năm 2013 tới nay, công tác đấu tranh PCTN được triển khai, thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư. Tới nay, tình hình tham nhũng đã được kiềm chế, ngăn chặn rất nhiều so với trước năm 2013.

“Đây là thành quả, kết quả rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, ông Học nhấn mạnh.

 Trưởng ban Nội Chính Trung ương Phan Đình Trạc báo cáo kết quả công tác PCTN tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Trưởng ban Nội Chính Trung ương Phan Đình Trạc báo cáo kết quả công tác PCTN tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, ông lưu ý kết quả thời gian qua chỉ là bước đầu, không được dừng lại, chủ quan, thỏa mãn với những gì đã có. Như chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng chống tham nhũng không được dừng lại, không ngừng nghỉ.

Cũng theo Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, hội nghị cũng sẽ góp phần đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Theo ông Học, "khi không phòng chống tham nhũng, thế lực thù địch nói Đảng Cộng sản không phòng chống tham nhũng. Còn khi chúng ta đẩy mạnh đấu tranh thì lại nói đây là đấu đá nội bộ".

Bên cạnh đó, ông cho rằng kết quả hội nghị tổng kết công tác PCTN sẽ chứng minh công tác phòng chống tham nhũng không cản trở phát triển kinh tế - xã hội, cũng không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm.

Về băn khoăn công cuộc “đốt lò” nóng lên từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII liệu có “giữ lửa” trong thời gian tới, ông Học chia sẻ đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm.

“Tâm trạng chung của người dân là quan tâm, lo lắng thời gian qua đã làm tốt vậy, thời gian tới có làm tốt hay không? Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh PCTN không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn, dù chúng ta phải tiến hành đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc hay tập trung cho chống Covid-19”, ông Học nói.

Theo ông Học, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quán triệt đấu tranh PCTN trở thành phong trào quần chúng, trở thành xu thế "không ai có thể cưỡng lại được".

“Ai không muốn làm, ai không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Đó là tuyên ngôn, quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Như vậy chắc chắn công tác đấu tranh PCTN thời gian tới vẫn mạnh mẽ, quyết liệt. Lò ở đầu nhiệm kỳ XII nóng thì tinh thần đấu tranh PCTN vẫn mãi như thế”, ông Học khẳng định.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-chong-tham-nhung-van-nong-post1162532.html