Lỡ cung đàn Hương giang
Hằng năm, Lễ hội điện Huệ Nam tổ chức 2 kỳ vào tháng 2 và tháng 7 âm lịch, gọi là lễ Tế Xuân và lễ Tế Thu. Năm 2020, Festival Huế không thể diễn ra theo dự kiến vào tháng 8-2020 để phòng dịch Covid-19, hàng loạt các sự kiện văn hóa trên đất cố đô buộc phải hủy bỏ, trong đó có kỳ lễ Tế Thu ở điện Huệ Nam soi bóng bên dòng Hương giang.
So với các địa danh nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, điện Huệ Nam thường gọi là điện Hòn Chén nằm khá xa trung tâm thành phố về phía đầu nguồn sông Hương, thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu nói sông Hương là linh hồn của xứ Huế, là “người mẹ phù sa” mang vẻ đẹp trí tuệ, nhuộm màu cho đời sống văn hóa trù phú đất cố đô thì điện Hòn Chén chính là nốt nhạc trên cung đàn Hương giang huyền thoại ấy.
Từ thành phố Huế muốn đi lên điện Huệ Nam, phải đi ngược con sông bằng thuyền như lối xưa các vua Triều Nguyễn thường hành hương lễ bái. Hoặc du khách phải đi con đường bộ rất xa qua nhiều làng mạc, ruộng vườn về nơi hoang dã phía bên kia sông để tìm ngôi đền thiêng.
Trong số các cơ sở tâm linh thờ tự ở Huế, điện Huệ Nam thờ đa thần, đa tín ngưỡng và cũng đẫm màu huyền thoại bí ẩn nhất. Không chỉ là đại danh thắng của đất cố đô, điện Huệ Nam gắn chặt với huyền thoại về 2 vị vua Triều Nguyễn là Minh Mạng và Đồng Khánh.
Đến viếng điện Huệ Nam, nếu không gặp đúng kỳ lễ hội thì du khách cũng khó lòng tìm được đò qua sông Hương vì khu vực này thưa thớt dân cư và không có dịch vụ du lịch. Nhìn từ bên này sông Hương, ngọn núi Ngọc Trản (chén ngọc) có tên gốc xưa kia là Hương Uyển Sơn nhô ra như một chấm xanh, một nốt nhạc trên cung đàn là dòng sông chảy dài thơ mộng. Do sườn núi có điện thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu theo tín ngưỡng Chăm cổ xưa nên cả cụm núi và điện được gọi là Ngọc Trản Sơn Tự.
Núi Ngọc Trản còn có một huyền thoại gắn với cuộc đời vua Minh Mạng. Dân gian truyền đi câu chuyện có một lần nhà vua dạo chơi trên sông Hương, đoạn gần điện Thánh Mẫu có ra ngoài uống trà và đánh rơi chiếc chén ngọc quý xuống lòng sông. Những tưởng là rơi mất nhưng đột nhiên có con rùa nổi lên mang chén trả lại. Huyền thoại lưu truyền đồng thời núi Ngọc Trản được gọi tên là núi Hoàn Ngọc, ngôi điện gọi là điện Hoàn Chén, sau cùng gọi mãi chệch thành ra Hòn Chén. Tuy nhiên, chính người Huế cũng nói rằng, câu chuyện chỉ là huyền thoại, mặc dù vua Minh Mạng bây giờ cũng được thờ tự trong điện, trở thành linh thiêng với tên núi, tên sông.
Đến đời vua Đồng Khánh, vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam tại vị từ năm 1885 đến 1889 thì điện Hòn Chén đã quá đỗi nổi tiếng vì linh thiêng. Nhà vua say mê và sùng bái tín ngưỡng ở ngôi đền, thường lui tới lễ tế và cầu xin, từ việc xin sinh quý tử, xin tâm an thái, đến cầu xin sơn hà xã tắc an bình thịnh trị. Tương truyền, nhà vua cầu xin phần lớn là được ban phúc như ý. Vì vậy, vua Đồng Khánh đổi tên ngôi điện Hòn Chén thành điện Huệ Nam với ý tôn kính, mong ngôi đền tỏa bóng bên dòng Hương giang mãi mãi độ trì ân phước cho xứ sở. Cũng vì thế mà lễ hội ở điện Huệ Nam diễn ra hằng năm luôn mang theo không khí tôn giáo thiêng liêng, huyền ảo. Người dân giữ gìn bảo vệ di tích và mong muốn tuân thủ những nghi lễ cũ xưa của ngôi điện cũng là bảo vệ trầm tích văn hóa Triều Nguyễn.
Tháng 3-2020, Trung tâm bảo tồn cố đô Huế quyết định không tổ chức lễ Tế Xuân ở điện Huệ Nam. Lễ hội như Festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, buộc phải bỏ rất đáng tiếc. Tiếp đến tháng 8-2020, kỳ Tế Thu lại hạn chế du khách để phòng dịch Covid-19, toàn bộ các đám rước Thánh Mẫu (Mẹ Xứ Sở) trên sông Hương, thuyền rồng, lễ phóng sinh, phóng đăng và dâng hương tưởng niệm các vị vua sẽ hủy bỏ để đảm bảo an toàn. Trải qua nhiều thế kỷ rêu phong cổ kính bên dòng sông, ngôi điện mới đây được tu bổ, sửa chữa theo tiêu chuẩn của quy trình trùng tu cấp di tích quốc gia dành cho quần thể di tích lịch sử kiến trúc cố đô Huế. Nhiều hạng mục buộc phải hạ giải để tái thiết lại vì quá cũ, hỏng.
Năm 1886, sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi, có tới hơn 10 cụm di tích kiến trúc được xây dựng gồm Minh Kính Đài, Trinh Cát Viện, chùa Thánh, dinh Ngũ Hành, am Thủy Phủ... và nhiều công trình khác. Đây quả là di tích đồ sộ với nhiều hạng mục và là công trình quý giá ghi dấu ấn đời sống tâm linh đa thần phong phú của người Việt Nam.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lo-cung-dan-huong-giang-post432662.html