Lộ diện 10 ngân hàng trả lương hậu hĩnh nhất quý 1/2025
Trong quý đầu năm nay, nhiều ngân hàng tư nhân đã vượt mặt nhóm Big4 về mức độ 'chịu chi' cho nhân sự. TPBank tạo bất ngờ khi vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng, với chi phí bình quân cho mỗi nhân viên hơn 53 triệu đồng/người/tháng…

Tính đến thời điểm hiện tại, 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2025. Bên cạnh những chỉ tiêu quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản... báo cáo còn phản ánh một xu hướng đáng chú ý là chi phí bình quân dành cho nhân viên đã vọt lên mức 33 triệu đồng/người/tháng.
So với cùng kỳ năm ngoái, mức thu nhập này đã tăng 7,5% và cao gấp hơn 3,5 lần thu nhập trung bình của lao động Việt Nam (9,4 triệu đồng/tháng). Khoản chi này bao gồm lương, thưởng, phụ cấp và các khoản phúc lợi khác.
10 NGÂN HÀNG "CHỊU CHI" NHẤT CHO NHÂN VIÊN
Khảo sát cho thấy, lần đầu tiên trong bảng xếp hạng, TPBank vượt mặt Techcombank để nắm giữ ngôi vương về mức độ chịu chi cho nhân viên. Trung bình mỗi nhân sự tại ngân hàng này nhận về 53,5 triệu đồng mỗi tháng – tăng mạnh 6,2 triệu đồng/người so với cùng kỳ năm ngoái.
Không kém cạnh, VietinBank có cú bứt tốc ngoạn mục để leo lên vị trí thứ hai với chi phí nhân viên đạt 45,3 triệu đồng/người/tháng, tăng thêm 5,5 triệu đồng so với quý 1/2024. Đây cũng là ngân hàng có mức chi trả bình quân cao nhất trong nhóm các nhà băng có vốn Nhà nước (Agribank chưa công bố báo cáo tài chính 2024 nên chưa được so sánh). Tính đến cuối quý 1, ngân hàng này đang vận hành bộ máy gần 25.000 nhân viên – tăng thêm 183 người so với đầu năm.
Vietcombank dù bị vượt mặt nhưng vẫn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng với chi phí bình quân cho nhân sự đạt 44,5 triệu đồng/tháng – tăng 3,4 triệu đồng so với cùng kỳ, đứng thứ 4. Tổng số tiền mà Vietcombank chi trả cho đội ngũ hơn 24.000 người trong quý 1 lên tới 3.243 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 12% so với năm ngoái.
Từng là một trong những “ông lớn” dẫn đầu bảng, BIDV nay lùi về vị trí thứ 9 với chi phí bình quân cho nhân viên là 37,4 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ 2,7 triệu đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượng nhân sự tại BIDV tiếp tục mở rộng, với 29.352 người – tăng 354 người trong ba tháng đầu năm.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025, nhưng theo số liệu của cả năm 2024, Agribank ghi nhận có tới 40.475 cán bộ nhân viên – tăng mạnh 1.172 người so với cuối năm 2023. Tuy vậy, mức thu nhập bình quân của mỗi nhân viên tại ngân hàng này chỉ đạt 33,73 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ 760.000 đồng so với năm trước. Với con số này, Agribank đang là ngân hàng có thu nhập nhân viên thấp nhất trong nhóm Big4.
Thực tế cho thấy, trong vài năm gần đây, nhóm ngân hàng quốc doanh đang dần đánh mất vị trí quán quân về đãi ngộ nhân sự. Thay vào đó, các ngân hàng tư nhân không ngừng nâng cấp chính sách chi trả, thậm chí "vượt mặt" những ông lớn Big 4.

Ngân hàng MB có cú bứt phá mạnh mẽ để vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách ngân hàng “chịu chi” nhất cho nhân sự. Trong quý 1/2025, trung bình mỗi nhân viên MB nhận về 45,1 triệu đồng/tháng – tăng 2,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý 1, MB có 18.658 nhân viên, nhích nhẹ 19 người so với đầu năm.
Ngược lại, Techcombank – từng là quán quân nhiều quý liên tiếp – lại bất ngờ rớt xuống vị trí thứ 5 với mức chi bình quân còn 42,2 triệu đồng/người/tháng. So với quý 1/2024, thu nhập nhân viên Techcombank sụt giảm tới 7 triệu đồng - một mức giảm khá sâu trong bối cảnh thị trường lao động ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt.
Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thuộc về ACB, với mức thu nhập bình quân đạt 40,1 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ 1 triệu đồng so với cùng kỳ. Sacombank giữ vững vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng ngân hàng chi mạnh tay cho nhân viên trong quý 1/2025. Trung bình, mỗi nhân sự tại đây nhận mức thu nhập 39,3 triệu đồng/tháng, tăng thêm 3,9 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, cái tên gây bất ngờ nhất có lẽ là KienlongBank, khi vươn lên vị trí thứ 8 với mức chi bình quân 37,7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ lọt top 10, KienlongBank còn lập kỷ lục về mức tăng mạnh nhất toàn ngành trong quý 1 khi tăng tới 12,7 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước.
SeABank cũng góp mặt trong top 10 khi giữ vị trí thứ 10 với mức chi bình quân 36,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,5 triệu đồng so với quý 1/2024. Dù không tăng đột phá như KienlongBank, nhưng SeABank cho thấy xu hướng "mạnh tay chi" đang lan rộng trong khối ngân hàng tư nhân.
NHIỀU NGÂN HÀNG CẮT GIẢM ĐÃI NGỘ
Bức tranh thu nhập ngành ngân hàng quý 1/2025 cho thấy sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa các “ông lớn” sẵn sàng mạnh tay chi cho nhân sự và nhóm ngân hàng đang siết chặt hầu bao. Khoảng cách giữa ngân hàng chi nhiều nhất và ít nhất đã nới rộng từ 26 triệu lên đến 34 triệu đồng/người/tháng chỉ sau 1 năm.
Dù phần lớn các nhà băng đều ghi nhận mức tăng chi phí nhân sự so với cùng kỳ, vẫn có tới 7 cái tên “bơi ngược dòng”, điều chỉnh giảm chi phí, bao gồm: Techcombank, Viet A Bank, VietBank, SHB, LPBank, Bac A Bank và Nam A Bank.
Trong số các ngân hàng cắt giảm chi phí cho nhân viên trong quý 1/2025, SHB ghi nhận mức giảm mạnh nhất, từ 36,5 triệu đồng/người/tháng xuống còn 28,4 triệu đồng. Nam A Bank cũng giảm từ 27,5 triệu xuống 25,3 triệu đồng/người/tháng.
Viet A Bank điều chỉnh mức chi từ 25 triệu xuống 24,1 triệu đồng/người/tháng, trong khi LPBank giảm nhẹ từ 24,9 triệu còn 23,5 triệu đồng. VietBank tiếp tục là ngân hàng có chi phí bình quân thấp nhất trong nhóm khảo sát, khi chỉ còn 19,5 triệu đồng/người/tháng – giảm 1,5 triệu so với cùng kỳ. Bac A Bank cũng ghi nhận mức giảm nhẹ, từ 28 triệu xuống 27,7 triệu đồng.
Cần lưu ý, các con số trên phản ánh mức thu nhập bình quân được tính từ lương và phụ cấp, không bao gồm các khoản thưởng hay đãi ngộ đặc biệt khác. Trên thực tế, mức thu nhập của mỗi cá nhân tại ngân hàng có thể chênh lệch đáng kể, phụ thuộc vào vị trí công việc, thâm niên, hiệu suất làm việc cũng như đặc thù bộ phận và hiệu quả hoạt động của từng chi nhánh.
Bên cạnh lương thưởng, nhiều ngân hàng còn có chính sách phát hành cổ phiếu ưu đãi dành cho cán bộ nhân viên với mức giá thấp hơn đáng kể so với thị giá trên sàn chứng khoán – một hình thức “thưởng thêm” phổ biến để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài.
Trong báo cáo xu hướng kinh doanh quý 2/2025, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý 1 có “cải thiện” so với quý trước, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Các tổ chức kỳ vọng tình hình lao động sẽ diến biến khả quan hơn trong quý 2 và cả năm 2025.