Đề xuất điều chỉnh tăng lương, trợ cấp: Ấm lòng người dân

Việc điều chỉnh tăng lương, trợ cấp góp phần nâng cao động lực làm việc, ổn định an sinh xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách của Nhà nước.

Mới đây, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1-7-2024.

Chính phủ cũng đã bổ sung quy định nâng lương vượt một bậc đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi cơ sở và người có phẩm chất, năng lực nổi trội có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1-7-2024.

Thông tin trên nhận về sự quan tâm đặc biệt và phản hồi tích cực từ bạn đọc trên cả nước. Nhiều người bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi thu nhập được cải thiện đáng kể trong bối cảnh giá cả tiêu dùng liên tục tăng cao, áp lực cuộc sống ngày một lớn.

Sự quan tâm thiết thực

Anh Nguyễn Nhân Đức, cán bộ tư pháp tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính ban đầu sẽ có xáo trộn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, trong khi nhân sự không tăng, thậm chí giảm. Do đó, khối lượng công việc có thể dồn lên, đặc biệt ở cấp cơ sở nhưng vẫn chưa rõ cách tính lương, phụ cấp sẽ thay đổi thế nào.

“Nay nghe đề xuất của Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, tôi thấy rất an tâm. Bảng lương mới không chỉ là một chính sách cải cách tài chính công, mà còn là sự khích lệ đối với những cán bộ tâm huyết, làm việc thực chất, có đóng góp rõ ràng cho cơ quan” - anh Đức nói.

 Việc điều chỉnh thu nhập cần gắn với hiệu quả công việc và năng suất lao động. Ảnh: THUẬN VĂN

Việc điều chỉnh thu nhập cần gắn với hiệu quả công việc và năng suất lao động. Ảnh: THUẬN VĂN

Anh Đức cũng kiến nghị cùng với việc điều chỉnh tăng lương cơ sở, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về đánh giá khối lượng công việc thực tế và phụ cấp kiêm nhiệm tại cấp cơ sở, nơi thường xuyên gánh vác đa nhiệm. Theo anh, nếu có chế độ phụ cấp rõ ràng, linh hoạt dựa trên thực tế công việc, cán bộ mới yên tâm gắn bó, tránh tình trạng “chạy việc chính, ôm việc phụ mà không ai ghi nhận”.

Bà Ngô Thị Tâm, cán bộ hưu trí tại TP.HCM, bày tỏ niềm vui khi nói về kiến nghị điều chỉnh lương, trợ cấp.

“Tôi sống một mình, thu nhập chủ yếu từ lương hưu. Nghe tin tăng 15% lương hưu, tôi rất vui. Đây là sự hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh giá cả leo thang” - bà Tâm nói.

Bà Tâm kể mỗi tháng bà chi gần 2 triệu đồng mua thuốc cao huyết áp và xương khớp. “Giá cả tăng từng ngày nhưng lương thì lâu lâu mới tăng. Nay Nhà nước điều chỉnh tăng, tôi thấy rất ấm lòng” - bà Tâm chia sẻ.

Lương cao, năng suất làm việc phải cao

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công từ năm 2026 là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người thụ hưởng chính sách xã hội.

Trong bối cảnh cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống công vụ, đây cũng là thời điểm phù hợp để đặt vấn đề cải cách tiền lương trong mối liên hệ chặt chẽ với chất lượng và năng lực đội ngũ.

Ông Tuấn cho rằng việc điều chỉnh thu nhập cần gắn với hiệu quả công việc và năng suất lao động, đồng thời đảm bảo nguyên tắc: Năng suất và hiệu quả phải tăng nhanh hơn mức điều chỉnh lương bình quân.

“Để thực hiện được điều này, cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách rõ ràng, minh bạch. Bao gồm các yếu tố như chuyên môn phù hợp với yêu cầu thời đại số, đạo đức công vụ, tác phong làm việc, ý thức kỷ luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ” - ông Tuấn nói.

Đồng thời tiếp tục chuyển đổi khu vực sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm có điều kiện, góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn biên chế cũng cần đi liền với đào tạo, bồi dưỡng và xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm, đảm bảo người lao động được hỗ trợ thích hợp trong quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chất lượng cao. Chính sách đào tạo cần tập trung vào năng lực thực hành, khuyến khích tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền hành chính hiện đại.

Chính sách tăng lương sẽ thực sự phát huy hiệu quả khi được triển khai song song với các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, tận tâm và thích ứng tốt với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Tiền lương khu vực công hiện nay

Tiền lương trong khu vực công là số tiền Nhà nước chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Việc chi trả phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở áp dụng cho khu vực công là 2.340.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024). Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV, tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang làm việc trong khu vực công được tính theo công thức:

Tiền lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng.

Ngoài tiền lương, người làm việc ở khu vực công còn được hưởng các khoản phụ cấp, trợ cấp và chế độ đãi ngộ khác tùy theo đặc thù ngành nghề, vị trí công tác.

Luật sư NGUYỄN THỊ LỆ KIỀU, Đoàn Luật sư TP.HCM

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-dieu-chinh-tang-luong-tro-cap-am-long-nguoi-dan-post848486.html