Lộ diện những người giàu hơn cả Bộ Tài chính Mỹ
Theo dữ liệu liên bang, Bộ Tài chính chỉ còn 38,8 tỷ USD tiền mặt, gần chạm mức tối thiểu để dẫn đến vụ vỡ nợ. Trong khi đó, người đàn ông giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản lên đến 193 tỷ USD.
Theo CNN, tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ đang thấp kỷ lục khi Washington đang đếm ngược đến ngày nâng mức nợ trần.
Dữ liệu liên bang cho thấy, tính đến thời điểm kết thúc hoạt động kinh doanh ngày 25/5, Bộ Tài chính chỉ còn 38,8 tỷ USD tiền mặt. Con số giảm mạnh từ 200 tỷ USD từ đầu tháng, trong khi mức tối thiểu mà Bộ Tài chính Mỹ cần để duy trì là 30 tỷ USD.
Thế giới hiện có 31 tỷ phú giàu hơn cả Bộ Tài chính Mỹ. Trong đó, Bernard Arnault, người đàn ông đang nắm giữ danh hiệu người giàu nhất thế giới, chủ tịch thương hiệu thời trang xa xỉ LVMH, đang nắm 193 tỷ USD. Tỷ phú công nghệ Elon Musk nắm 185 tỷ USD và Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đứng thứ ba với 144 tỷ USD.
Một số tỷ phú được Bloomberg Billionaires Index nhận định có tài sản lớn hơn số tiền của Bộ Tài chính Mỹ nắm giữ (38,8 tỷ USD) là nhà sáng lập hãng máy tính Dell, tỷ phú Warren Buffett, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, chủ tịch hãng Chanel Alain Wertheiner...
Ngày 28/6, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy căn bản đạt thỏa thuận nâng trần nợ, bước đầu để nước Mỹ thoát cảnh vỡ nợ đầu tháng 6. Chính quyền muốn đình chỉ trần nợ cho đến ngày 1/1/2025.
Tuy nhiên, nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ trước ngày 5/6, Bộ Tài chính không đủ tiền thanh toán đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ quốc gia, theo cảnh báo của Bộ trưởng Janet Yellen.
Bà Yellen trước đó cảnh báo đây là lần đầu nước Mỹ đối mặt với nguy cơ thảm họa kinh tế rõ rệt như vậy. Người dân mất việc, các khoản thanh toán nợ mua nhà, xe, tín dụng tăng đột biến, chi phí vay tăng, khoản đầu tư tương lai trở nên đắt đỏ, theo dự đoán của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ và nhiều chuyên gia kinh tế.
Theo Reuters, thỏa thuận ngăn chặn vụ vỡ nợ gây bất ổn về kinh tế, miễn là nó thành công trong việc thông qua Quốc hội bị chia rẽ trong gang tấc trước khi Bộ Tài chính thiếu tiền để thực hiện nghĩa vụ, điều mà Bộ đã cảnh báo nước Mỹ vỡ nợ nếu không đạt được thỏa thuận trần nợ.
Bế tắc kéo dài về việc tăng trần nợ khiến thị trường tài chính hoang mang, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ gây ra hậu quả nặng nề hơn, khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.