Vào thời điểm hiện tại, tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II vượt xa tất cả các máy bay chiến đấu khác của phương Tây về số lượng sản xuất.
Là máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất tương thích với chuẩn NATO đang được chế tạo, nó sẵn sàng hiện đại hóa liên minh quân sự phương Tây và sức mạnh không quân đồng minh của Mỹ trong hơn một thập kỷ tới.
F-35 tự hào có hệ thống điện tử hàng không tối tân và khả năng tàng hình siêu việt. Khi đặt cạnh chiếc J-20 do Trung Quốc chế tạo - đối thủ cạnh tranh chính của nó thì nói chung hai máy bay này đại diện cho đỉnh cao công nghệ hiện nay.
So với F-22 Raptor cũ hơn - chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của phương Tây được phát triển nhưng không được phép xuất khẩu thì F-35 vượt trội về mặt công nghệ.
Thiết bị điện tử hàng không từ những năm 1990 của F-22 thiếu các tính năng tiên tiến như hệ thống khẩu độ phân tán, kính ngắm gắn trên mũ bay và liên kết dữ liệu qua mạng chiến trường, điều này đã hạn chế tiềm năng chiến đấu của nó.
Tuy nhiên F-35 cũng có những hạn chế đáng kể. Không giống như J-20 và F-22 là máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nặng với hiệu suất bay vượt trội, F-35 là tiêm kích một động cơ, nhẹ hơn với khả năng vận động khiêm tốn hơn.
Lựa chọn thiết kế này nhằm mục đích làm cho tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II có giá cả phải chăng hơn để thuận lợi cho việc triển khai trên quy mô lớn.
Biện pháp cắt giảm chi phí này dẫn đến sự thỏa hiệp trong một số lĩnh vực hoạt động, bao gồm khả năng cơ động, trọng tải vũ khí và kích thước radar. Trong số này, trần bay thấp của F-35 là một trong những thiếu sót đáng kể nhưng bị bỏ qua nhiều nhất.
Trong lịch sử, máy bay chiến đấu một động cơ có trần bay thấp hơn so với các tiêm kích hai động cơ. Các máy bay chiến đấu hạng nặng như F-22 và J-20 có thể vươn tới độ cao hơn 18 km, trong khi MiG-31 và MiG-25 có thể vượt qua độ cao 20 km.
Bề mặt điều khiển lớn, lực đẩy cao, động cơ có cấu hình đặc biệt và khả năng định hướng véc tơ luồng phụt đều rất quan trọng đối với hoạt động ở độ cao lớn. Thật không may, F-35 thiếu các tính năng này, hạn chế nghiêm trọng trần bay của nó.
Hoạt động tầm cao cho phép máy bay chiến đấu cung cấp cho tên lửa nhiều năng lượng hơn. Chẳng hạn, tên lửa không đối không AIM-120D phóng từ độ cao tối đa của F-22 có thể vươn tới mục tiêu xa hơn nhiều so với tên lửa mà F-35 phóng.
Việc F-35 không có khả năng bay cao là một thiếu sót đáng kể, do một trong những vai trò chính của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là sử dụng cảm biến nâng cao để có tầm nhìn xa hơn qua đường chân trời vô tuyến, hạn chế rất nhiều khả năng nhận biết tình huống.
Vấn đề này thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn khi không chỉ F-22 và các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như Su-35 của Nga có thể hoạt động tại độ cao lớn hơn nhiều, mà cả J-20 cũng vậy, khi nó có thể bay gần như ở rìa không gian.
Điều này mang lại cho tiêm kích tàng hình J-20 một lợi thế đáng kể về độ cao so với F-35 trong bất kỳ cuộc giao tranh tiềm năng nào.
Theo An ninh thủ đô