Lộ diện thách thức 'hạ nhiệt' tăng trưởng khiến hành trình vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc thêm chông gai
Dân số già đi nhanh chóng của sẽ là trở ngại cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc và cản trở hành trình vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Báo cáo mới đây của một nhóm các học giả từ năm quốc gia là Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc cho hay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bắc Kinh ước tính sẽ vượt Mỹ, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035.
Theo các nhà phân tích trong và ngoài nước, Trung Quốc sẽ duy trì động lực tăng trưởng ổn định và đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2024, đồng thời, giải quyết các thách thức một cách thận trọng.
"Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ vượt Washington trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức khoảng 5% trong 5 năm tới và ít nhất là 4% cho đến năm 2035", báo cáo dự báo.
Tin tốt lành
Sự lạc quan nói trên dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh nhanh hơn Washington, cũng như việc đồng Nhân dân tệ không ngừng lên giá và ngày càng được quốc tế hóa.
Ngày 29/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã nâng cấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay lên mức 5%, tăng so với dự báo trước đó là 4,6%.
Cơ sở cho việc điều chỉnh dự báo là GDP của nước này trong quý I/2024 đã vượt kỳ vọng, đạt tốc độ tăng trưởng 5,3%.
Phó Giám đốc điều hành của IMF Gita Gopinath nhận định, những dự báo mới phù hợp với mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của Bắc Kinh, dựa trên động lực từ kết quả kinh doanh quý đầu tiên tốt hơn dự kiến và một số biện pháp chính sách bổ sung mới được công bố gần đây của chính phủ.
Các nhà phân tích từ các tổ chức như BNP Paribas, Goldman Sachs và Citi Bank cũng đã điều chỉnh nâng dự báo đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Về đồng Nhân dân tệ, báo cáo Chính sách tài chính Trung Quốc năm 2024 dẫn dữ liệu SWIFT cho thấy, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu đạt 4,6% tính tới tháng 11/2023 - một mức cao kỷ lục. Đồng nội tệ Trung Quốc cũng đã bắt đầu được sử dụng như một loại tiền tệ của bên thứ ba.
Còn nhiều thách thức
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, những thách thức vẫn tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, vốn tiếp tục đè nặng lên sức phục hồi kinh tế toàn diện.
Bà Gopinath cho biết, IMF đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro, đặc biệt từ việc điều chỉnh thị trường bất động sản kéo dài và áp lực phân mảnh ngày càng tăng.
Trong khi Trung Quốc gần đây đưa ra các biện pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản, các nhà phân tích cho rằng, cần có những chính sách toàn diện hơn để phục hồi bền vững.
Theo bà Gopinath, Trung Quốc cần ưu tiên huy động nguồn lực của chính phủ để bảo vệ người mua nhà chưa được bàn giao và thúc đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng các căn nhà đã được bán trước, mở đường cho việc giải quyết các nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán.
Về dài hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn những điều không chắc chắn về mức độ bền vững của quá trình phục hồi. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 4 tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 12/2022, trong khi giá nhà mới giảm đáng kể.
IMF cho rằng, lạm phát cơ bản ở đất nước sẽ tăng lên mức khoảng 1% trong năm nay.
Cũng theo quỹ trên, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống 3,3% vào năm 2029 do dân số già đi nhanh chóng, tăng trưởng năng suất chậm hơn và những khó khăn kéo dài trong lĩnh vực nhà ở.
Hai vấn đề cần giải quyết
Vấn đề dân số già đi được xem là thách thức lớn, cản trở hành trình vượt Mỹ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Fu-Xian Yi, chuyên gia về nhân khẩu học của Trung Quốc khẳng định, dân số già đi nhanh chóng của sẽ là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Ông đã chỉ ra rằng, tỷ lệ dân số Trung Quốc trên 65 tuổi đã tăng lên 15,4% vào năm 2023 - từ mức 7% vào năm 1998.
Mặc dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này đã tụt hậu so với Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ hai đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây.
Năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng 5,2% - so với mức 2,5% của Mỹ.
Nhưng ông Fu-Xian Yi cho rằng, tình thế sẽ thay đổi trong thập niên tới. Ông chỉ ra sự tương đồng giữa già hóa dân số của Trung Quốc cùng các quỹ đạo nhân khẩu học tương tự đã "hạ nhiệt" nền kinh tế Nhật Bản và Đức.
Ông dự đoán: “Dựa trên những xu hướng lịch sử nói trên, tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh có thể sẽ giảm xuống còn 3% vào năm 2028 và giảm xuống dưới mức của Mỹ từ năm 2031 đến năm 2035”.
Chuyên gia nhân khẩu học Fu-Xian Yi cho biết thêm, Trung Quốc khó có thể đạt được trạng thái “thu nhập cao”, dựa trên ngưỡng thu nhập bình quân đầu người của Ngân hàng Thế giới (WB). Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ không tăng đủ nhanh trong những năm tới để bắt kịp khi mức chuẩn tăng theo mức tăng trưởng chung toàn cầu.
"Thặng dư thương mại của Trung Quốc bị xói mòn, lãi suất thấp và áp lực giảm phát sẽ đè nặng lên đồng tiền, khiến việc đạt được trạng thái thu nhập cao càng trở nên khó khăn hơn", vị chuyên gia lý giải.
Đề cập đến dân số già của Trung Quốc, năm ngoái, chiến lược gia kỳ cựu Ed Yardeni cũng từng đánh giá, Trung Quốc có thể trở thành "viện dưỡng lão lớn nhất thế giới".
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nước này, khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và những hạn chế của Mỹ đối với các công nghệ chủ chốt đã dẫn đến những dự đoán về "một thập niên mất mát".
Thời gian tới, Trung Quốc phải nâng cao thu nhập khả dụng của hộ gia đình và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Theo ông Fu-Xian Yi, cả hai vấn đề này đều đòi hỏi một cuộc cải tổ chính trị, kinh tế và quá trình chuyển đổi cần thiết có thể mất vài thập niên - nếu không muốn nói là lâu hơn.