Lộ diện tướng chỉ huy lực lượng đặc biệt Triều Tiên chiến đấu bên cạnh quân đội Nga
Truyền thông Mỹ đưa tin, lực lượng Triều Tiên tham chiến bên cạnh Quân đội Nga do tướng ba sao Kim Yong-bok chỉ huy với sứ mạng tiếp thu kinh nghiệm chiến đấu thực tế và xây dựng cơ chế triển khai trong tương lai.
Triều Tiên đã cử hơn 11.000 binh sĩ tới hỗ trợ Nga giúp đánh đuổi lực lượng quân đội Ukraine đã đột nhập vào tỉnh Kursk. Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 19/11 đưa tin, lực lượng đặc biệt được Triều Tiên điều tới Nga do Thượng tướng Kim Yong-bok, hiện là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên chỉ huy.
Nhiệm vụ của ông là hội nhập quân đội Bắc Triều Tiên với quân Nga và mang kinh nghiệm chiến đấu thực tế về nước. Dự kiến bản thân ông Kim Yong-bok sẽ không tham gia chiến đấu, nhưng với tư cách là một quan chức quân sự quan trọng của Triều Tiên, cho thấy ý định của Triều Tiên trong việc tiếp tục hỗ trợ Nga trong năm tới.
Tướng chỉ huy lực lượng đặc biệt với lý lịch bí ẩn
Tướng Kim Yong-bok trở thành Tư lệnh Lực lượng tác chiến đặc biệt của Quân đội nhân dân Triều Tiên vào năm 2015. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên một năm sau đó. Vào tháng 7/2020, ông được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tặng một khẩu súng ngắn lưu niệm cùng với một số tướng lĩnh khác. Vào tháng 3 năm nay, có thông tin cho biết ông Kim Yong-bok đã được bổ nhiệm làm Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên.
Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Kim Young-bok hầu như không được biết đến. Cơ sở dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc về giới tinh hoa Triều Tiên chỉ có tên và chức danh của Kim Yong-bok. Tuổi, quê quán hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào khác của ông vẫn chưa được phía Hàn Quốc biết. Cơ sở dữ liệu này của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên các cơ quan tình báo và thông tin công khai, gồm hồ sơ của hơn 680 quan chức Triều Tiên.
Điều này trái ngược với sự nổi bật mà giới tinh hoa quân sự Triều Tiên thường được yêu thích trên các cơ quan truyền thông nhà nước. Những lần xuất hiện trước công chúng của ông Kim Jong-un chiếm thời lượng áp đảo trên đài truyền hình, đài phát thanh và báo chí trung ương của Triều Tiên, thường có sự góp mặt bên cạnh của các tướng lĩnh cấp cao quân đội.
Triều Tiên bắt đầu đưa ông Kim Yong-bok xuất hiện công khai sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 6, khi hai nước ký kết một hiệp ước phòng thủ chung. Ông Kim Yong-bok sau đó thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi thị sát các khu vực bị lũ lụt và quan sát hoạt động huấn luyện của lực lượng đặc biệt cũng như các cuộc tập trận pháo binh. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin lần cuối về hoạt động của ông Kim Yong-bok vào ngày 6/10, có tin ông đã tới Nga cùng với đợt quân đầu tiên mấy ngày sau đó.
Giới quan sát cho rằng ông Kim Yong-bok là một trong 10 nhân vật quân sự quan trọng nhất của Triều Tiên và có thể được thăng tiến hơn nữa nếu sứ mệnh ở Nga thành công. Jeon Kyung-ju, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, chỉ ra rằng ông Kim Yong-bok chỉ huy khoảng 200.000 quân lực lượng đặc biệt của Triều Tiên.
Lực lượng này sẽ thực hiện các nhiệm vụ bí mật trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nên hoạt động của ông luôn được giữ kín. Với việc cử ông chỉ huy lực lượng ở Nga, Triều Tiên muốn phía Nga thấy rằng họ sẵn sàng cử các tướng lĩnh đáng tin cậy dẫn quân tới hỗ trợ Nga.
Mỹ, Hàn Quốc lo ngại về quan hệ quân sự Nga-Triều Tiên
Việc tới hỗ trợ quân đội Nga chiến đấu có thể giúp sĩ quan, binh sĩ Triều Tiên hiểu về cách thức chiến tranh hiện đại diễn ra và kinh nghiệm chiến trường này sẽ giúp Triều Tiên hình thành các chiến thuật quân sự mới nhất. Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước cho biết quân đội Nga đã huấn luyện cho người Triều Tiên những kỹ năng quan trọng ở tiền tuyến như tác chiến pháo binh, đào chiến hào và tác chiến bằng máy bay không người lái.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết binh sĩ Triều Tiên đã lấy danh tính giả để mạo danh binh sĩ Nga. Theo các quan chức Mỹ, họ đã ra tiền tuyến mang theo trang thiết bị của Nga và mặc quân phục Nga. Một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác là Triều Tiên có thể nhận được công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa nhạy cảm từ Nga để đổi lấy việc gửi quân tới tham gia chiến đấu. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ông không loại trừ khả năng Nga đã hỗ trợ vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gần đây của Triều Tiên.
Ryo Hinata-Yamaguchi, nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương), một cơ quan tư vấn ở Washington, cho rằng việc triển khai số lượng lớn quân đội và cử các tướng lĩnh cấp cao như Kim Yong-bok tới hỗ trợ cho thấy Triều Tiên thực hiện nghiêm túc những cam kết với Nga.