Lo doanh nghiệp Việt bị động trước 'đòn' phòng vệ từ Mỹ
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đang thấp thỏm, lo lắng trong lúc chờ phán quyết sơ bộ sắp tới của Mỹ cho vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong Việt. Nhưng một mối lo lớn hơn là hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường trở nên bị động trước các 'đòn' phòng vệ thương mại từ Mỹ.
Nếu không có gì thay đổi, vào ngày 17/11/2021 tới đây cơ quan điều tra của Mỹ sẽ ban hành kết luận sơ bộ vụ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina.
Lợi thế thành... bất lợi
Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi đang chiếm 50% sản lượng xuất khẩu (XK) mật ong của cả nước với sản lượng khoảng 25.000 tấn/năm, các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng này hiện tại vẫn đang rất lo lắng, thấp thỏm chờ phán quyết này rồi mới tính toán kế hoạch kinh doanh cho thời gian tới.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của VnBusiness, nhiều DN trong ngành hàng mật ong ở Đắk Lắk đều nhìn nhận khó khăn sẽ tiếp tục đến với ngành này trong năm 2022 và thời gian tiếp theo.
Nhất là thời gian qua, khi chưa biết sản phẩm sẽ bị đánh thuế như thế nào nên các DN rất e dè XK, không liên kết đầu tư với người nuôi mật ong, phải dừng lại vì sợ lỗ.
Điều này dẫn đến tình trạng từ giữa tháng 5/2021, thời điểm Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong cho đến tháng 9/2021 các DN tại Đắk Lắk hầu như không có đơn hàng mật ong nào XK sang thị trường Mỹ. Đây cũng là khó khăn chung của những DN xuất khẩu mật ong khi mà thị trường Mỹ chiếm đến 95% sản lượng XK mật ong Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng các DN trong ngành mật ong có 2 điểm bất lợi từ việc Việt Nam và một số nền kinh tế khác vẫn bị phía Mỹ xem là nền kinh tế phi thị trường.
Bất lợi thứ nhất là làm cho phía Mỹ không sử dụng những dữ liệu về chi phí sản xuất của DN để tính toán mức thuế dành cho DN mà họ sử dụng giá trị thay thế (chẳng hạn như Ấn Độ).
Bất lợi thứ hai, thực ra vốn là lợi thế của Việt Nam khi ngành mật ong được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết, về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân công... Đó là lý do mật ong Việt xuất sang Mỹ có giá cạnh tranh so với các quốc gia khác.
“Trong điều kiện thông thường thì đó là lợi thế của Việt Nam. Nhưng, trong điều kiện vụ việc chống bán phá giá thì đấy lại là điều bất lợi đối với những quốc gia bị coi là nền kinh tế phi thị trường”, bà Giang nói.
Tức là họ cho rằng, giá của Việt Nam phải dựa trên giá của Ấn Độ, trong khi giá XK thực tế của chúng ta là dựa trên những điều kiện ưu đãi từ thiên nhiên và nhân công giá rẻ.
Vị Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết đã đi khảo sát các DN xuất khẩu mật ong ở trong nước và thấy rằng, họ đều có lợi nhuận tương đối ổn. Do đó, có thể khẳng định DN Việt Nam không bán phá giá thấp hơn chi phí sản xuất, cũng không bán thấp hơn giá trong nước.
Nên chủ động ứng phó
“Nhưng, vì quan niệm của phía Mỹ trong việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường nên họ sử dụng những dữ liệu bất lợi thay thế. Điều này dẫn đến việc chúng ta có thể bị coi là bán phá giá mặc dù xét về bản chất thì các DN không hề bán phá giá”, bà Giang chia sẻ thêm.
Vụ điều tra bán phá giá mật ong lần này cũng không khác gì những vụ kiện chống bán phá giá khác của phía Mỹ đối với những mặt hàng XK của Việt Nam.
Đơn cử mới nhất, cuối tháng 10/2021 DOC đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sợi PTY của Việt Nam.
Theo đó, trong kết luận cuối cùng của DOC, Công ty Sợi Thế Kỷ được xác định biên độ phá giá ở mức 2,58% (giảm 0,09% so với biên độ sơ bộ là 2,67%). Các công ty còn lại của Việt Nam đều phải chịu mức thuế là 22,36% (giảm 0,46% so với biên độ sơ bộ là 22,82%).
Ngoài ra, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại vào ngày 3/12/2021. Trong trường hợp USITC xác định có thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chính thức trong vụ việc này. DOC hiện vẫn duy trì các biện pháp sơ bộ đang áp dụng cho đến khi có thông báo mới.
Kim ngạch XK mặt hàng sợi PTY của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 243 triệu USD, trong đó XK đi Mỹ đạt 5,3 triệu USD (chiếm khoảng 2,2% tổng XK), tương ứng mức tăng 74% so với cùng kỳ 2020.
Còn trong đầu tháng 10/2021 DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 4 (POR4) cho giai đoạn từ ngày 1/9/2019 đến ngày 31/8/2020 đối với sản phẩm ống dẫn dầu (oil country tubular goods-OCTG) có xuất xứ từ Việt Nam.
Trong đợt rà soát này, DOC đã tiến hành rà soát đối với Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam (SeAH) và công ty liên kết tại Mỹ. Mức thuế tạm thời áp dụng cho Công ty SeAH là 4,67% (công ty này được xác định không bán phá giá trong giai đoạn POR3 từ ngày 1/9/2018 đến ngày 31/8/2019). Ngoài ra, mức thuế đối với các nhà sản xuất, XK khác của Việt Nam không thay đổi, ở mức 111,47%, tương tự các đợt rà soát trước đây.
Trước các vụ việc điều tra chống bán phá giá gần đây nhất từ phía Mỹ, giới chuyên gia có khuyến nghị các DN trong nước cần có sự chủ động hơn nữa trong việc xử lý có hiệu quả, ứng phó. Về phía cơ quan quản lý cũng nên nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho các ngành sản xuất, XK.
Trong các đòn phòng vệ thương mại từ Mỹ, nỗi lo nhất vẫn là việc đa số các DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, hiểu biết về vấn đề này chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra. Họ cũng khó đáp ứng đúng hết các yêu cầu trong điều tra chống bán phá giá từ Mỹ, nên khả năng nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK là khó tránh khỏi.