Lo hay mừng khi học sinh không học thêm tại trường?
Nhiều phụ huynh lo lắng thời gian tới không biết gửi con ở đâu, quản lý con thế nào khi các trường phổ thông không dạy buổi 2 nữa.
![Khi học thêm bên ngoài nhà trường, học sinh có cơ hội chọn học những giáo viên giỏi hơn và có thể tiến bộ nhanh hơn (ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_428_51415041/9af505d23d9cd4c28d8d.jpg)
Khi học thêm bên ngoài nhà trường, học sinh có cơ hội chọn học những giáo viên giỏi hơn và có thể tiến bộ nhanh hơn (ảnh minh họa)
Cô giáo chủ nhiệm của 2 cháu tôi (sinh đôi) học lớp 6 thông báo sau ngày 14/2 các thầy cô sẽ dừng dạy thêm cả ở trường và ở nhà khiến vợ chồng em gái tôi lo lắng.
Vợ chồng em tôi là công nhân, thường xuyên tăng ca về muộn, nhà lại neo người. 2 cháu sẽ chỉ học buổi sáng tại trường, còn buổi chiều được nghỉ. Chúng đang bước vào tuổi “ẩm ương”, coi trọng cái tôi và hay chống đối, phản kháng bố mẹ. Cả 2 cháu lực học trung bình, không tự giác học. Do đó, ngoài học thêm tại trường, vợ chồng em tôi phải gửi thầy cô kèm thêm tại nhà.
Tuy thu nhập của cả hai vợ chồng thấp nhưng đã tằn tiện cho hai cháu đi học thêm vừa để có chỗ gửi con, lại yên tâm khi chính giáo viên trên lớp dạy dỗ, uốn nắn. Việc các con chỉ còn học 1 buổi tại trường sẽ gây khó khăn trong việc sắp xếp người đưa đón và giám sát, quản lý chúng vào buổi còn lại. Em tôi bảo nếu học thêm ngoài nhà trường, giáo viên dạy không phải thầy cô trên lớp thì liệu có hiệu quả trong khi tiền học có thể cao hơn.
Chị hàng xóm tôi dự định nhờ bà nội ở quê lên trông coi, quản lý 2 con học lớp 6 và lớp 8 ham chơi, lười học nhưng còn đắn đo bởi việc nhà ở quê cũng không ít, một mình ông nội cáng đáng không xuể. Nếu tìm lớp học thay thế bên ngoài thì tiền học sẽ đội lên nhiều, trong khi 2 vợ chồng cũng là công nhân may, thu nhập không cao. Cậu con trai học lớp 8 chỉ thích học thêm tại nhà cô giáo dạy ở lớp và nhất định không học thêm thầy cô khác. “Mỗi sự thay đổi là lại đau đầu, áp lực, rối bời. Thôi cứ chờ đến sau ngày 14/2 xem sao vậy”, chị hàng xóm tặc lưỡi.
Mấy hôm nay, đi đến đâu cũng có phụ huynh lo lắng thời gian tới không biết gửi con ở đâu, quản lý con thế nào khi các trường phổ thông không dạy buổi 2 nữa, trừ học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp. Nếu không học thêm bên ngoài nhà trường thì lo con sẽ bị thụt lùi so với các bạn, để ở nhà lại lo con chỉ xem ti vi, chơi điện tử, lướt mạng… Học ở các trung tâm lại lo mức phí sẽ cao, chất lượng khó kiểm định. Và, không phải nơi nào cũng có các trung tâm dạy thêm để đáp ứng nhu cầu học của học sinh, nhất là vùng nông thôn.
Có phụ huynh cho rằng giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình bên ngoài nhà trường chả khác nào “bỏ con đẻ để nuôi con nuôi”.
Các thầy cô dạy trên lớp chính là những người nắm rất sát sức học, tâm lý của học sinh, đã và đang phối hợp với gia đình để dạy dỗ, uốn nắn các em. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công tác quản lý học sinh ở các trung tâm liệu có bảo đảm như ở trường học? Việc bố trí đưa đón học sinh học thêm ở bên ngoài nhà trường cũng khiến nhiều gia đình sẽ rối bời.
Từ sau Tết, đã có lớp học thêm tại nhà giáo viên chuyển sang học trực tuyến. Phụ huynh lại phải mua sắm thiết bị phục vụ cho con học trực tuyến…
Quả thực, được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018... song Thông tư 29/2024/TT-BGDDT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2 đang nhận được những ý kiến trái chiều, băn khoăn từ phía phụ huynh.
Thực tế, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng. Để các quy định mới về dạy thêm, học thêm đi vào thực tiễn cuộc sống, các giải pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục.
Cần có hướng dẫn chi tiết về công tác dạy thêm, học thêm để bảo đảm thực hiện đúng quy định, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, mang lại quyền lợi cho học sinh, giảm gánh nặng chi phí, áp lực cho phụ huynh.
Mặt khác, phụ huynh không nên giao phó hoàn toàn việc học của con cho nhà trường, nên dành thời gian chơi cùng con, giao thêm bài tập về nhà, “giao khoán” con đọc sách mỗi ngày hoặc cùng con tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, học cùng con... Học thêm bên ngoài nhà trường cũng là cơ hội để lựa chọn học những giáo viên giỏi hơn và có thể tiến bộ nhanh hơn.
Cái gì cũng có 2 mặt.
Quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 cũng mới chỉ giải quyết phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là chương trình học. Chừng nào chương trình học của các cấp không còn quá nặng, ôm đồm kiến thức thì mới mong phụ huynh không còn đôn đáo lo chuyện học thêm cho con.