Lỡ hẹn với quê hương

"Quê hương là gì hở mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều" - Câu thơ dung dị quen thuộc ấy đã chạm đến trái tim của triệu người xa xứ, đang mong ngóng ngày trở về quê mẹ. Năm nay, mong ước đoàn viên của họ dường như xa vời hơn, bởi dịch bệnh và điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến bao người "lỡ hẹn" với quê nhà trong những ngày cuối năm đón Tết đến, Xuân về...

Kiều bào tại Hà Lan rạng rỡ đón tiệc tất niên và giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam với bạn bè quốc tế, truyền dạy con cháu gìn giữ nguồn cội

Kiều bào tại Hà Lan rạng rỡ đón tiệc tất niên và giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam với bạn bè quốc tế, truyền dạy con cháu gìn giữ nguồn cội

Từ bên kia địa cầu, gia đình ông Trần Quang Thành, quê gốc phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, hiện đang định cư tại Hà Lan đã lên kế hoạch đưa cả nhà về Việt Nam đón Tết Nhâm Dần 2022. Nhưng dự định ấy đành gác lại, bởi tình hình dịch Covid-19 tại Hà Lan đang diễn biến phức tạp, xuất hiện ca nhiễm biến chủng mới Omicron.

Xa quê hương từ năm tròn 18 tuổi, mấy chục năm làm việc xứ người, ông Thành may mắn tìm được người bạn đời cũng là một phụ nữ Việt Nam nên có sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc, luôn đau đáu niềm nhớ quê. Vì vậy, dù hai người con của ông sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, nhưng vợ chồng ông Thành luôn chú trọng truyền dạy văn hóa Việt Nam, nét đẹp dân tộc cho các con.

Gia đình ông vẫn thường xuyên nấu món ăn Việt, nói tiếng Việt, nên dù rất ít khi về nước, nhưng các con ông Thành vẫn hiểu khá rõ lễ nghĩa của người Việt. Ngọc Anh (con trai của ông Thành) không giống như các bạn thanh niên nước sở tại luôn muốn một cuộc sống tự do khi trưởng thành, mà cậu lại có hơi hướng sống thuần Việt khi bày tỏ mong muốn gia đình sum vầy, quây quần. Ngọc Anh chia sẻ, tuổi thơ của cậu lớn lên bên trời Tây, chỉ nghe kể về quê hương bản xứ, ông bà nội, ngoại qua hồi ức của bố mẹ nên cậu không muốn những đứa con của mình sau này cũng chịu thiệt thòi, xa vắng ấy...

Bao năm lao động vất vả xứ người, vì kỳ nghỉ đông không trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán nên gia đình ông Thành hiếm có dịp về Việt Nam đón Tết cổ truyền. Năm nay, các con ông đều đã ra trường, ông bà cũng nghỉ hưu nên có thể sắp xếp thời gian để về Việt Nam vui Tết. Đó cũng là dự định bấy lâu của ông, muốn các con cảm nhận chân thực về nét đẹp văn hóa nguồn cội. Mọi thứ đã được lên kế hoạch với bao háo hức, mong chờ, nhưng dịch bệnh bùng phát trở lại khiến gia đình ông hụt hẫng.

Trò chuyện qua messenger, ông Thành đượm buồn chia sẻ: "Vậy là gia đình tôi lại lỡ hẹn với quê nhà, và không khí đón Tết năm nay của cộng đồng người Việt sẽ không được tưng bừng như trước, vì có thể Hà Lan sẽ thực hiện phong tỏa thời gian khá dài.

Mọi năm, cộng đồng người Việt tại Hà Lan hoặc những gia đình sống cùng thành phố sẽ tổ chức gói bánh chưng, tiệc tất niên với đầy đủ món ăn Việt ngày Tết. Các bà, các chị và cháu gái sẽ mặc áo dài xúng xính. Ai cũng cảm thấy mình dịu dàng, đằm thắm hơn.

Rồi tất cả cùng ôn lại những phong tục, tập quán truyền thống để vừa vơi bớt nỗi nhớ quê, vừa truyền dạy cho các thế hệ con cháu sinh ra bên xứ người gìn giữ gốc gác quê hương. Những câu chuyện của đủ mọi miền quê từ Nam ra Bắc luôn là đề tài rôm rả nhất, khiến bọn trẻ háo hức lắng nghe đầy lạ lẫm. Kể cho con trẻ mà cứ ngỡ như mình cũng đang trở về thuở ấu thơ mong chờ Tết đến nao lòng"...

Dù không xa đất nước cả nửa vòng trái đất, vẫn chung một dải đất hình chữ S, nhưng năm nay, nhiều người cũng không thể trở về quê đón Tết. Những lao động xa quê vẫn đang ở các địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp đành đón Tết phương xa với nỗi nhớ nhà da diết. Họ lựa chọn ở lại một phần vì kinh tế khó khăn hơn, một phần bởi ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Nhưng dẫu sao, với họ vẫn còn nhiều cái Tết để trở về...

Ở cái tuổi đã gần đất xa trời, cụ Đỗ Hữu Mộc, thành phố Vĩnh Yên, mong muốn được về quê gốc Hưng Yên đón Tết, nhưng vì dịch Covid-19 khiến dự định của cụ không thành. Dù da diết nhớ quê, nhưng cụ đành dằn lòng hẹn quê nhà năm sau.

Cụ ngậm ngùi tâm sự: "Suốt cuộc đời tôi công tác xa quê, về hưu đã lâu, nhưng con cháu đều sinh sống và lập nghiệp tại Vĩnh Phúc nên tôi xác định cuối đời cũng ở đây. Nhưng như chim luôn hướng về tổ, tuổi mỗi già, tôi càng nhớ họ hàng, làng mạc, mong muốn về thăm quê nhiều hơn khi sức khỏe vẫn còn đi lại được. Ấy vậy mà hai năm nay, dịch bệnh làm tôi lâu lắm vẫn chưa thể về... Trong lòng tôi vẫn lấn cấn không yên, vì tuổi đã gần 90, lại có bệnh nền nên con cháu cũng khuyên nhủ tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe đợi đến ngày mọi thứ an toàn trở lại sẽ đưa bố về thăm quê"...

Có thể thấy, dù ai đi ngược về xuôi, ở tận chân trời góc bể nào thì khi Tết đến Xuân về đều chung một niềm mong ngóng đoàn viên. Dù năm nay đã thêm một lần "lỡ hẹn", thì trong trái tim họ, quê hương vẫn mãi là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, cho họ niềm tin vào một ngày không xa tất cả sẽ trở lại cuộc sống bình yên, an toàn, để nhà nhà, người người trên khắp mọi miền Tổ quốc được sum vầy đầm ấm, an yên!

Bài, ảnh: Mai Thơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73363/lo-hen-voi-que-huong.html