Lỗ hổng kịch bản trong ngôn tình Việt- Thái
Gần đây, khán giả chứng kiến sự kết hợp ngoạn mục của điện ảnh Hàn Quốc với Nhật Bản, hay Hàn Quốc-Trung Quốc được ghi nhận bằng những giải thưởng quốc tế. Cùng thời điểm, Là mây trên bầu trời của ai đó - màn kết hợp điện ảnh Việt Nam-Thái Lan cũng đang ra rạp. Tuy nhiên, đạo diễn Thanadet Pradit và ê-kíp Thái dù cố gắng cũng không thể khắc phục được những hạn chế của kịch bản.
Nữ chính của phim tên Mây (Ngọc Lan Vy) đặc biệt ưa thích các sao nam xứ Thái. Vì nhà giàu nên việc tung tiền ra để ăn tối cùng các thần tượng là bình thường, đôi khi chỉ là để lấy le với chúng bạn. Nhưng chuyến đi kỷ niệm sinh nhật tại Thái Lan lần này, mục đích chính của Mây là để gặp Park- thần tượng đích thực của cô. Đồng hành cùng Mây là Dưa Hấu- người bạn kiêm trợ lý là con của vú nuôi Vân (NSƯT Hồng Vân) chăm Mây từ nhỏ. Thủ vai Dưa Hấu chính là Trịnh Tú Trung- nhà sản xuất kiêm sáng tác ca khúc chính của phim.
Chuyến đi hứa hẹn hay ho cho đến khi hai bạn trẻ phát hiện gia đình cử bốn vệ sĩ cùng đích thân vú Vân đi theo giám sát. Sự bối rối trong… kịch bản bắt đầu xảy ra. Nếu hoạt động giao lưu thân thiết với thần tượng đã được gia đình chấp thuận (và giải ngân) thì tại sao Mây lại phải giấu diếm với bà vú và vệ sĩ.
Hợp tác với Tổng cục Du lịch Thái Lan và được quay hoàn toàn tại Thái, tuy nhiên Là mây trên bầu trời của ai đó đem lại cảm giác kinh phí thấp vì những cảnh quay khá bình dị. Những khung hình loanh quanh thủ đô Thái Lan trong phim nói chung du khách bình thường nào cũng có thể tự thu nhận. Phim cũng không khai thác sâu về văn hóa xứ Thái, thay vào đó nói về sự ảnh hưởng của văn hóa thần tượng Thái Lan tới giới trẻ Việt Nam. Dù trên thực tế quy mô ảnh hưởng chưa thể so với Hàn Quốc.
Thêm một yếu tố quan trọng làm thay đổi lịch trình của Mây. Ngay đầu phim, xe của Mây đã đụng phải một anh xe ôm điển trai tên Boy (August Vachiravit). Và anh chàng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực trong kế hoạch “giải cứu” Mây khỏi bà vú vô dụng cùng dàn vệ sĩ để làm cảnh.
Mặc dù ý tưởng tiểu thư tình cờ quen trai nhà nghèo không mới, nhưng thêm bối cảnh, nhân vật nước ngoài hứa hẹn nhiều tình tiết thú vị, tươi mới. Nhưng Là mây… đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội lấy điểm. Chủ yếu vì kịch bản được dựng lên từ những mâu thuẫn giả tạo và đầy rẫy các tình tiết vô lý mà lẽ ra được giải quyết dễ dàng chỉ bằng một cú điện thoại. Các nhân vật được cử đi canh giữ thiên kim tiểu thư cứ như thể không biết tính năng nghe gọi, chưa kể tới định vị của điện thoại. Và chỉ biết vò đầu bứt tóc mỗi khi Mây “bốc hơi”.
Có những cảnh khó chấp nhận như dàn vệ sĩ chạy bộ để đuổi theo xe máy. Xem ra họ chỉ được trang bị vest đen cùng kính đen để thực hiện nhiệm vụ. Bà vú rất được kính nể thì chỉ biết ngồi một chỗ than thở. Có vẻ như họ quá trì trệ hoặc đang đùa giỡn chứ không hề cho thấy trách nhiệm cũng như khả năng trong công việc được giao phó. Chưa kể dàn vệ sĩ cũng tỏ ra hai mặt không biết đâu mà lường…
Đây là phim ra mắt của Ngọc Lan Vy. Diễn viên sinh năm 2005 định cư Mỹ từ sớm, từng là Hoa hậu cuộc Little Miss & Mr Eurasia 2017 diễn ra tại Georgia và Hoa hậu Hoàn vũ nhỏ tuổi 2018 (Little Miss Universe) tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vy hội đủ các yếu tố để làm người mẫu nhưng chưa cho thấy tố chất diễn viên. Cô diễn xuất nói chung tự nhiên nhưng biểu cảm còn cứng và không đa dạng. Gương mặt rất hợp với sàn catwalk hay ấn tượng khi lên ảnh lại bộc lộ nhiều góc không thuận lợi trên màn ảnh lớn. Có những cảnh thuộc loại kinh điển như giây phút hai người đối mặt nhau ở khoảng cách gần, Vy gần như không thể hiện được cảm xúc gì.
Vai Dưa Hấu cũng quá sức đối với Trịnh Tú Trung. Đây là nhân vật thuộc giới LGBT lại có vai trò mang lại tiếng cười nên dựng không khéo dễ thành lố. Trong khi đó phía Thái Lan cũng có một nhân vật thuộc giới này nhưng diễn tự nhiên, ra chất. Một số báo giật tít cho vui kiểu phim là màn “đọ sắc” của dàn nam thần Việt-Thái... Nhưng thực sự dàn vệ sĩ nhà ta không thể so bì được với ba gương mặt diễn viên nam thuộc dạng “hàng tuyển” của xứ Thái, cả về ngoại hình, độ nổi tiếng lẫn diễn xuất. Họ chỉ xuất hiện vài phút cũng đủ gây ấn tượng.
Làm thay đổi hoàn toàn nhân sinh quan của Mây chính là vai diễn của Pakorn Lam. Diễn viên, ca sĩ kiêm người mẫu sinh năm 1979 vào vai một ngôi sao ăn tối cùng Mây. Khi thấy Mây cứ quay cảnh mình đang ăn để đăng TikTok thì không hài lòng, liền dạy Mây rằng: “Tiền có thể mua được một vài thứ, nhưng không mua được tất cả, nhất là cảm xúc”. Sau đó anh trả lại thù lao đã nhận. Mây sau đó tiếp tục nghe lời Boy để thay đổi suy nghĩ của bố mẹ.
Tóm lại nữ chính như trang giấy trắng được các “nam thần” Thái Lan chỉ bảo từng tí. Đáng ra phim nên cho nữ chính chẳng hạn ôm theo quyển sách và tỏ ra cũng có tâm hồn thay vì lơ ngơ suốt cả phim xong bỗng lại thốt ra một câu rất văn hoa: “Em muốn làm đám mây trên bầu trời của ai đó vì…”.
Tuy nhiên hãy coi chừng, “nam thần” Boy có thể rất dễ thương nhưng có hẳn ba lần bỏ rơi nữ chính (hành động chắc chắn phải có trọng lượng hơn lời nói). Đặc biệt lần cuối khi nghe thông tin Mây bị trọng bệnh. Sự thất thố này khó có thể thanh minh. Vậy nhưng Mây vẫn không hề để ý. Chưa kể việc bỏ rơi một người ngoại quốc bơ vơ nơi xa lạ (nhất là trong “tình cảnh” có điện thoại cũng như không) khiến người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính hiếu khách, thân thiện của dân sở tại.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-hong-kich-ban-trong-ngon-tinh-viet-thai-post1456497.tpo