'Lỗ hổng' pháp luật trong việc mua bán hóa chất nguy hiểm xyanua

Việc mua bán xyanua rất dễ dàng, một phần đến từ quy định pháp luật còn hạn chế, đặt ra vấn đề khắc phục và kiểm soát chặt chẽ những hóa chất nguy hiểm.

Quy định pháp luật còn hạn chế

Thời gian gần đây, nhiều vụ án sử dụng chất độc xyanua để giết người mà mới đây nhất, nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) thừa nhận dùng chất độc này để sát hại chồng và 3 người cháu ở Đồng Nai liên tục khiến dư luận bàng hoàn.

Là chất độc nguy hiểm nhưng xyanua không nằm trong danh mục chất cấm mua bán. Từ những vụ án gây nguy hại đến an toàn xã hội, sức khỏe, tính mạng con người, việc kiểm soát mua bán hóa chất này cần đặt ra một cách nghiêm túc.

Luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán hóa chất hiện nay được quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 (sửa đổi bổ sung năm 2018) và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ.

Xyanua (còn gọi là cyanide) là chất cực độc, có thể lấy mạng người chỉ với một lượng nhỏ.

Xyanua (còn gọi là cyanide) là chất cực độc, có thể lấy mạng người chỉ với một lượng nhỏ.

Đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu sản xuất, kinh doanh hóa chất phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất - kỹ thuật, về chuyên môn, điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với từng loại hóa chất cụ thể, phải có giấy chứng nhận hoặc giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp không đảm bảo được bất kỳ tiêu chuẩn nào, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt từ 50 - 100 triệu đồng. Trường hợp sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất cấm, chủ thể thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Kiên cho rằng, nguyên do dẫn đến tình trạng hóa chất được buôn bán tràn lan hiện nay một phần là do công tác kiểm soát hoạt động mua bán trên thực tế chưa đủ chặt chẽ. Đặc biệt, thương mại điện tử ngày càng phát triển thì việc mua bán càng trở nên dễ dàng.

Luật sư Phạm Hồng Kiên

Luật sư Phạm Hồng Kiên

Bên cạnh đó, việc kiểm soát buôn bán hóa chất cũng gặp nhiều bất cập do sự chồng chéo trong quản lý. Mỗi đơn vị phụ trách một nhóm hóa chất riêng, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả.

Thực tế, Luật Hóa chất quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhưng lại thiếu quy định cụ thể đối với tổ chức, cá nhân sử dụng. Điều này dẫn đến tình trạng người bán không quan tâm đến mục đích của người mua, dẫn đến giao dịch dễ dàng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Giải pháp là gì?

Cũng theo luật sư Phạm Hồng Kiên, tại Điều 23 Luật Hóa chất quy định, việc mua bán hóa chất độc hại phải có phiếu để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc hại.

Nội dung phiếu sẽ có thông tin về tên, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng, tên và chữ ký của người mua, người bán. Ngoài ra còn có địa chỉ, thông tin cá nhân của các bên.

Phiếu phải được lưu giữ ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Quy định pháp luật là vậy, nhưng thực tế nhiều trường hợp không thực hiện theo.

Nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích dùng xyanua sát hại chồng và 3 cháu nhỏ ở Đồng Nai.

Nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích dùng xyanua sát hại chồng và 3 cháu nhỏ ở Đồng Nai.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh hóa chất, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh và tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở mua bán trong việc chấp hành quy định.

Cơ sở bán hàng hải thực hiện nghiêm việc xuất phiếu kiểm soát để làm cơ sở cho công tác kiểm tra. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, nhất là trên mạng internet.

Ngoài ra, cần ưu tiên công tác tuyên truyền về tác hại của các loại hóa chất này cho người dân được biết; tuyên truyền về quy định liên quan đến kinh doanh, mua bán loại hóa chất này.

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được Bộ Công Thương trình Chính phủ, các hóa chất nguy hiểm dự kiến được quy định là các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Theo đó, các loại chất độc nguy hiểm sẽ được kiểm soát trong từng khâu theo vòng đời hóa chất.

"Điều này không chỉ giúp công tác kiểm soát về kỹ thuật an toàn mà còn được kiểm soát về phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh và mục đích sử dụng. Từ đó giảm thiểu khả năng gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe con người", vị luật sư kỳ vọng.

Một số vụ án giết người bằng Xyanua điển hình:

Năm 2019, tại tỉnh Thái Bình, dư luận bàng hoàng với vụ Lại Thị Kiều Tr. (SN 1994, trú tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) vì yêu anh rể nên mua Xyanua rồi vào trà sữa để đầu độc chị họ. Hậu quả, một nữ đồng nghiệp của chị họ uống phải và tử vong. Tại tòa, bị cáo nhận án tử hình.

Năm 2022, nữ sinh 21 tuổi (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mua Xyanua tại chợ Kim Biên (Tp.HCM) để đầu độc cha ruột. Tại tòa, bị cáo này bị tuyên án tù chung thân.

Năm 2023, một thiếu niên 14 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) đã dùng bả (có thành phần chính là Xyanua) trộn vào sữa bột khiến cha và bà nội tử vong.

Mới đây nhất, nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) khai nhận đã dùng Xyanua đầu độc 4 người thân khiến 3 người tử vong, người cháu 18 tuổi may mắn được Bệnh viện Lê Văn Thịnh cứu sống. Hiện vụ án này vẫn đang được điều tra làm rõ.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lo-hong-phap-luat-trong-viec-mua-ban-hoa-chat-nguy-hiem-xyanua-204240715144207273.htm