Lỗ hổng sở hữu trí tuệ trong công nghiệp văn hóa và sáng tạo
Các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đang gặp phải nhiều thử thách do vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Thực tế này có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành CNVH và sáng tạo ở nước ta nếu không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.
Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền SHTT trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL tổ chức.
Đủ chiêu trò
Các ngành CNVH và sáng tạo đang có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019. Tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp nhiều thử thách do những vi phạm về quyền SHTT.
Theo các chuyên gia, trường hợp trang xem phim lậu “phimmoi” dù đã bị khởi tố vài năm nay, nhưng kết quả vẫn chưa đi đến đâu. Trong khi đó, “website bất tử” này vẫn liên tục thay đổi vô số tên miền để qua mắt cơ quan chức năng.
Mặt khác, vi phạm bản quyền về bóng đá những năm gần đây ngày càng ngang nhiên, với thủ đoạn tinh vi hơn. Luật sư Phan Vũ Tuấn (Phó Chủ tịch Hội SHTT TP Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế châu Á - Thái Bình Dương - PIAC) đã chỉ ra thủ đoạn của các trang web là sẵn sàng lật ngược hình ảnh của một trận bóng đá để tránh bị quét hình ảnh bản quyền. “Thị trường còn xuất hiện cả thiết bị có gương soi để có thể đặt điện thoại vào, khi đó hình ảnh được lật lại để trở thành đúng chiều trong gương. Cách này chắc các nhà sáng tạo cũng khóc” - Luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.
Từ thực tế trên, các chuyên gia đánh giá, biện pháp bảo vệ quyền SHTT chỉ mang hiệu quả trung bình, yếu. Nếu sử dụng biện pháp hành chính, mặc dù tốc độ giải quyết nhanh hơn, nhưng chủ sở hữu bị xâm phạm không được bồi thường thiệt hại, còn áp dụng biện pháp dân sự, chủ sở hữu bị xâm phạm có thể được bồi thường thiệt hại, nhưng thời gian theo đuổi một vụ kiện quá dài, phức tạp, như vụ kiện tác quyền “Thần đồng Đất Việt” kéo dài 12 năm. Điều đó làm nản lòng chủ thể sáng tạo và khiến xâm phạm quyền tác giả ngày càng phổ biến.
Nhìn rộng hơn, TS Lê Tùng Sơn, chuyên gia Dự án Tăng cường thực thi quyền SHTT tại Việt Nam (SIPE) cho biết: Kết quả khảo sát về thực thi quyền SHTT trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu cho thấy, 14% chủ thể sáng tạo cho biết thường xuyên bị xâm phạm quyền SHTT, 29% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền SHTT, 57% chưa từng bị xâm phạm quyền SHTT. Trong số các sản phẩm văn hóa, sáng tạo bị xâm phạm lĩnh vực âm nhạc chiếm 76,9%, điện ảnh là 71,6%, xuất bản 50,7%. Các quyền SHTT bị xâm phạm gồm sao chép (64,9%), làm tác phẩm phái sinh (37,8%), quyền nhân thân (27%).
Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đến từ việc: Nhận thức của công chúng về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế; Nhiều kẻ vụ lợi, đặc biệt là trên môi trường kỹ thuật số; Còn thiếu sự chủ động của chủ thể quyền trong bảo vệ quyền của mình. Những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực của việc vi phạm các khuôn khổ pháp lý hiện hành về quyền SHTT và bản quyền có thể gây ra cho các ngành CNVH và sáng tạo ở Việt Nam.
Củng cố thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Về câu chuyện thực thi quyền SHTT, một số chuyên gia nhận định, thanh tra các Sở ngành chỉ khoảng chục người, trong khi vi phạm bản quyền SHTT diễn ra phổ biến, việc xác định, chứng minh được vi phạm và thiệt hại khá khó khăn và mất nhiều thời gian dễ dẫn đến tình trạng “dễ làm khó bỏ”. Mặt khác, nhận thức của chủ thể sáng tạo và chủ thể thụ hưởng quyền SHTT trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo còn hạn chế.
Về mặt luật pháp, TS Lê Tùng Sơn nhận định, pháp luật chuyên ngành chưa tương xứng với pháp luật về SHTT. Hiện nay, nước ta có 12 ngành CNVH, nhưng không phải cả 12 ngành đã có pháp luật điều chỉnh. Có những ngành văn bản điều chỉnh cao nhất là nghị định như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; có ngành chưa có luật, nghị định điều chỉnh. Trong một khung khổ pháp luật chung về SHTT cần có các hệ thống pháp luật khác, hình thành hệ sinh thái để tổ chức thực thi hiệu quả.
Bởi vậy, Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng, chống xâm phạm khả thi nhất phải đến từ ý thức không muốn xem miễn phí, sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền. Bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo cần được hiểu thấu đáo và được đề cao bởi công chúng, người tiêu dùng và cả người làm sáng tạo.
Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhiều đại biểu cho rằng, cần xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước – Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan – Chủ sở hữu sản phẩm văn hóa sáng tạo và cộng đồng. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của các hiệp hội, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng KH&CN hiện đại hiệu quả.
Bối cảnh này ở nước ta trong nhiều năm qua đã và đang khiến nhiều DN thiếu tự tin trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp sáng tạo. Vi phạm bản quyền không nhìn nhận đúng được giá trị của SHTT sáng tạo, là nguy cơ có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành CNVH và sáng tạo ở nước ta nếu không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lo-hong-so-huu-tri-tue-trong-cong-nghiep-van-hoa-va-sang-tao.html