'LỖ HỔNG' TRONG BẢO ĐẢM AN TOÀN TRƯỜNG HỌC

Bàng hoàng và xót xa là cảm xúc của rất nhiều người trước sự việc 3 học sinh thiệt mạng và 3 cháu bị thương khi đùa nghịch làm cổng của điểm trường Bản Phung thuộc Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (Văn Bàn, Lào Cai) đổ xuống đúng ngày đầu năm học mới.

Ngay tối 7-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới gia đình những học sinh bị nạn và yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung chữa trị cho 3 cháu bị thương; làm rõ nguyên nhân tai nạn cùng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UBND các địa phương phải kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học, bảo đảm an toàn cho học sinh...

Những năm qua ở nước ta xảy ra khá nhiều vụ tai nạn học đường khiến học sinh thương vong. Mới đây, cây phượng trong Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đổ khiến 1 học sinh thiệt mạng và 12 em bị thương (ngày 25-5-2020); cũng tháng 5 này, 1 nam sinh Trường THCS Quyết Thắng ở tỉnh Hải Dương tử vong do bị điện giật khi tỉa cây trong trường. Trước đó, cuối năm 2017, vụ sập lan can tại Trường Tiểu học Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) khiến 13 học sinh bị thương...

Tai nạn học đường là nỗi lo thường trực của hàng triệu gia đình bởi tính mạng, sức khỏe của các con luôn là điều quan trọng nhất, trong khi phần lớn thời gian hằng ngày học sinh ở trường-nơi luôn có bạn bè rất hiếu động đùa nghịch, không để ý đến sự hiểm nguy.

 Nếu công tác bảo đảm an toàn học đường được tiến hành chặt chẽ thì chắc chắn sẽ tránh được nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Ảnh minh họa: TTXVN.

Nếu công tác bảo đảm an toàn học đường được tiến hành chặt chẽ thì chắc chắn sẽ tránh được nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Ảnh minh họa: TTXVN.

Vì sao ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc bảo đảm an ninh, an toàn trường học mà các vụ tai nạn học đường vẫn thường xuyên xảy ra? Câu trả lời là ngoài những nguyên nhân khách quan thì việc giáo dục về kỹ năng bảo đảm an toàn vẫn chưa được nhiều bậc phụ huynh và nhà trường chú trọng. Các thầy, cô giáo thường quan tâm nhiều đến việc dạy-học, ít để ý đến những nguy cơ gây mất an toàn để đề nghị nhà trường kịp thời khắc phục hoặc chủ động nhắc học sinh phòng tránh... Đặc biệt, việc không cử cán bộ, nhân viên phụ trách công tác an toàn trường học; không đưa việc kiểm tra an toàn trường học vào kế hoạch công tác hằng tuần, hằng tháng như một nội dung quan trọng bắt buộc phải làm là một “lỗ hổng” lớn dẫn đến tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, không phát hiện kịp thời những mối nguy hiểm phải loại trừ ngay.

Việc cần làm lúc này là Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy định cụ thể về bảo đảm an toàn trường học. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, yêu cầu tất cả các trường thành lập bộ phận bảo đảm an toàn, phân công cán bộ phụ trách và hằng tuần phải tổ chức kiểm tra, rà soát, lập biên bản rõ ràng để gắn trách nhiệm và làm cơ sở kiến nghị những việc phải giải quyết. Khi có sự cố, thiên tai hoặc nhận được tin báo về nguy cơ mất an toàn thì kiểm tra đột xuất; phổ biến ngay những thông tin cảnh báo nguy hiểm cho toàn trường biết để phòng tránh...

Nếu công tác bảo đảm an toàn học đường được tiến hành chặt chẽ thì chắc chắn sẽ tránh được nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do tường đổ, điện giật, sập mái nhà, hay đơn giản là sân trường trơn trượt, cành cây rơi...

Xin đừng để chuyện đã rồi mới ngồi rút kinh nghiệm, vì mỗi vụ việc tai nạn là tính mạng con người!

HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lo-hong-trong-bao-dam-an-toan-truong-hoc-634299