Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
Liên quan đến việc nhân viên ngân hàng TPBank tham ô 246 lượng vàng SJC chơi chứng khoán, trao đổi với PetroTimes, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự - Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện tượng này phản ánh lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng cho ngân hàng, đồng thời cũng phản ánh tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên thiếu trung thực, suy thoái về đạo đức.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, trong một vài năm gần đây, những vụ việc theo mô típ khách hàng gửi tài sản tại các ngân hàng sau đó bị mất tiền với lý do nhân viên của ngân hàng lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt không còn là sự việc hy hữu. Hiện tượng này phản ánh lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng, đồng thời cũng phản ánh tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên thiếu trung thực, suy thoái về đạo đức.
Luật sư Cường cho biết, trong vụ việc xảy ra tại Trung tâm giao dịch Hội sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội vừa mới ban hành bản kết luận điều tra vụ án, với việc cơ quan điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Văn Linh - cán bộ kho quỹ về tội "Tham ô tài sản” thì có thể xác định rằng, trong vụ án này TPBank được xác định tư cách tố tụng là “Người bị hại” còn khách hàng gửi tài sản cho ngân hàng được xác định tư cách tố tụng là “Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.
Từ việc xác định tư cách tố tụng trọng vụ án như trên thì vấn đề trách nhiệm dân sự trọng vụ án này được giải quyết, đó là Nguyễn Văn Linh phải có trách nhiệm hoàn trả cho TPBank số tài sản đã chiếm đoạt mà không phải bồi thường cho phía khách hàng gửi vàng.
Trong khi đó, TPBank là bên có trách nhiệm trả cho khách hàng số tài sản mà ngân hàng đã nhận của khách hàng thông qua hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật. "Như vậy, TPBank đã phải gánh chịu một rủi ro rất lớn do không có một quy trình quản lý tài sản, giám sát chặt chẽ, cũng như rủi ro xuất phát từ việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, nhân viên thiếu trung thực, suy thoái về đạo đức", Luật sư Cường nhấn mạnh.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tại Trung tâm giao dịch Hội sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đề nghị truy tố Nguyễn Văn Linh, cựu cán bộ kho quỹ ngân hàng, về tội "Tham ô tài sản".
Theo điều tra, TPBank đã thiết lập kho quỹ tập trung để bảo quản tài sản quý giá như vàng, tiền và giấy tờ. Linh, trong vai trò thủ quỹ, đã lợi dụng quy trình kiểm kê vàng chỉ diễn ra 2 lần một năm để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Cụ thể, vào tháng 7/2017, Linh đã lấy 246 lượng vàng SJC từ kho và bán cho một doanh nghiệp, thu về hơn 8,8 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được Linh chuyển vào tài khoản chứng khoán để đầu tư.
Để che giấu hành vi, Linh đã thay thế số vàng đã lấy bằng vàng cầm cố từ khách hàng khác, khiến việc kiểm kê không phát hiện ra thiếu hụt. Hành vi này kéo dài cho đến khi Linh không còn khả năng hoàn trả số vàng đã chiếm đoạt.
Ngoài ra, Linh cũng bị cáo buộc nhận giữ hộ 70 tỷ đồng từ một kế toán trưởng của ngân hàng, trong đó 40 tỷ đồng đã được trả lại, còn lại 30 tỷ đồng cùng với tiền thu được từ việc bán vàng được dùng để đầu tư vào tiền ảo và xổ số nhưng đã thua lỗ.
Nhìn từ vụ việc này và hàng loạt các vụ việc khách hàng mất tiền trong tài khoản tại các ngân hàng thời gian qua, nhiều người dân lo ngại về tính bảo mật cũng như quy trình quản lý tài sản của các ngân hàng.