Lỗ hổng từ vụ Quyền Linh và Doãn Quốc Đam quảng cáo sai nhưng không bị phạt
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở đối với vi phạm về quảng cáo của MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam gây xôn xao dư luận. Lý do cả hai không bị xử phạt được đưa ra là 'quá thời hiệu' xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo chưa thuyết phục được phần đông khán giả.
Khán giả phản ứng
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế tăng cường xử lý các trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng, bao gồm Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, BTV Quang Minh, MC Vân Hugo với tổng số tiền xử phạt là 247,5 triệu đồng.


MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam bị Bộ VHTTDL nhắc nhở dù có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng.
Đối với MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam, Bộ VHTTDL chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở dù cả hai có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng. Cụ thể, MC Quyền Linh đã thực hiện quảng cáo thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định và gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm đã được công bố. Diễn viên Doãn Quốc Đam thực hiện quảng cáo cho sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là sản phẩm bị cấm quảng cáo.
Lý do cả hai không bị xử phạt được đưa ra là "quá thời hiệu" xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được quy định chỉ có thời hạn một năm, mà video quảng cáo vi phạm của hai nghệ sĩ đã được thực hiện trong khoảng 2023-2024.
Thông tin này nhanh chóng gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng việc xử phạt như vậy là chưa công bằng, bởi sức ảnh hưởng của những nghệ sĩ này khá lớn, dễ dàng lôi kéo lượng lớn khách hàng mua sản phẩm theo lời họ quảng cáo.

Diễn viên Doãn Quốc Đam quảng cáo cho loại sữa nằm trong đường dây 600 loại sữa giả bị triệt phá vào tháng 4/2025.
“Quyền Linh và Doãn Quốc Đam đã có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, sao chỉ bị nhắc nhở thôi? Họ đã dẫn dắt người tiêu dùng tin vào sản phẩm, góp phần làm cho người tiêu dùng tiền mất tật mang”, “Dù là quảng cáo thực hiện đã lâu nhưng một khi gây hại cho xã hội thì vẫn cần xử phạt”, “Pháp luật có thời hiệu, nhưng sự tổn thương trong lòng công chúng thì không”, “Lấy tiếng, lấy danh để quảng cáo, dụ dỗ người dân nhưng cuối cùng chỉ bị nhắc nhở!”, “Tại sao cùng một vi phạm nhưng Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, Quang Minh, Hoàng Linh… bị phạt mà Quyền Linh, Doãn Quốc Đam lại chỉ bị nhắc nhở? Việc này là không công bằng”… là những bình luận của khán giả về hình thức xử lý sai phạm của MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam chỉ dừng ở mức nhắc nhở.
Một số khác lại cho rằng nghệ sĩ, người nổi tiếng dễ mắc sai lầm khi nhận quảng cáo là do họ thường không đủ chuyên môn để đánh giá sản phẩm có đúng như nội dung quảng cáo hay không. Ngoài ra, sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok… góp phần khiến những quảng cáo xuất hiện tràn lan.
Không có căn cứ để xử phạt
Trả lời về thắc mắc của khán giả liên quan đến việc xử phạt của MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp Hà Nội - cho biết thời hiệu xử lý các vi phạm pháp luật không chỉ áp dụng với những vi phạm hành chính mà với nhiều lĩnh vực pháp luật khác.
“Quy định thời hiệu để đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật cần phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Việc chậm phát hiện là do trách nhiệm trong công tác quản lý, nếu hết thời hiệu vi phạm mà người vi phạm không còn vi phạm khác, việc không xử lý là phù hợp”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Vì vậy, trong trường hợp của MC Quyền Linh và diễn viên Doãn Quốc Đam, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không có căn cứ để xử phạt. Bà Nguyễn Lan Phương - cán bộ phân tích chính sách Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - khẳng định không chỉ riêng lĩnh vực quảng cáo, bất kì lĩnh vực nào được pháp luật điều chỉnh cũng có quy định về thời hiệu xử lý vi phạm.
"Quy định thời hiệu xử lý nhằm đảm bảo hành vi vi phạm được xử lý thích đáng trong một khoảng thời gian nhất định. Quy định này cũng tạo áp lực lên cơ quan quản lý để họ có hành động kịp thời, không truy cứu trách nhiệm vô thời hạn đối với một hành vi, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh, rõ ràng, nhân văn của pháp luật", bà Nguyễn Lan Phương phân tích.
Có thể nói, Bộ VHTTDL đã chậm trễ xử lý đối với trường hợp MC Quyền Linh và Doãn Quốc Đam dẫn đến việc không xử phạt do hết thời hiệu.

MC Quyền Linh từng quảng cáo nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng dù đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng pháp luật quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ nội dung quảng cáo sai sự thật.
"Ngoài ra, cần xem xét xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về quảng cáo, sản xuất buôn bán hàng giả nếu còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Nhìn nhận về tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo trong thời gian qua, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên - nhận định công tác quản lý các hoạt động quảng cáo qua mạng xã hội đang lỏng lẻo, có nhiều lỗ hổng và chưa có sự giám sát kịp thời của các cơ quan chức năng.
Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho các nghệ sĩ, người nổi tiếng trong quá trình quảng bá các sản phẩm. Trong đó bao gồm các nội dung nghệ sĩ, người nổi tiếng cần được kiểm chứng, phản ánh đúng tinh thần của sản phẩm, tránh thổi phồng hoặc cường điệu hóa quá mức công dụng, tính năng của sản phẩm, đặc biệt không được dùng các thông tin giả để đề cao tính năng sản phẩm.



Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng nhận quảng bá các sản phẩm một cách bất chấp, thiếu hiểu biết về sản phẩm.
Các nền tảng xuyên biên giới có vai trò lớn trong việc thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển và mở ra những hình thức quảng cáo mới trong thời đại công nghệ số. Đây cũng là những nền tảng khiến những quảng cáo thổi phồng, sai sự thật lan truyền nhanh chóng.
"Để hạn chế quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới, cần có sự hợp tác của cả ba bên gồm nền tảng, cơ quan quản lý nhà nước và người dùng. Chính sách quản lý nội dung của nền tảng cần liên tiếp được cập nhật theo bối cảnh và quy định pháp luật mới, hoàn thiện bộ lọc nội dung quảng cáo. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước và người dùng cần tích cực theo dõi, báo cáo và yêu cầu gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật", bà Nguyễn Lan Phương nêu.
Sớm ban hành các hướng dẫn để thực thi Luật Quảng cáo (sửa đổi)
Bà Nguyễn Lan Phương cho rằng việc kéo dài thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cần được đánh giá vào tính nghiêm trọng hành vi và bối cảnh xã hội.
"Không nên vì hiện tượng rộ lên trong thời gian ngắn mà vội vàng sửa đổi luật. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL cần ban hành thêm các hướng dẫn để thực thi Luật Quảng cáo (sửa đổi), trong đó có các hướng dẫn về xác định người nổi tiếng, người có ảnh hưởng như dựa trên số lượng người theo dõi, số lượt tương tác liên tục trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Các hướng dẫn đó sẽ là căn cứ để xác định mức độ vi phạm của các nghệ sĩ khi quảng cáo", bà Nguyễn Lan Phương nêu.