Lo kẹt vốn, doanh nghiệp mong sớm sửa đổi Thông tư số 06

Mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo phải sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, song càng gần đến ngày Thông tư có hiệu lực (từ 1.9 tới), các doanh nghiệp bất động sản càng lo lắng. Liên tiếp đại diện doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước với mong muốn khẩn trương đẩy nhanh quá trình này.

Nhiều quy định chưa hợp lý

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (gọi tắt là Thông tư số 06) được ban hành ngày 28.6.2023. Ngay tại thời điểm ban hành, giới phân tích đánh giá, việc Thông tư bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay (trong đó có đảo nợ, để gửi tiền…) sẽ giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, giúp hướng dòng vốn tín dụng đến phục vụ các dự án, mục đích lành mạnh.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp bất động sản, Thông tư số 06 được cho là làm trầm trọng hơn những khó khăn hiện nay.

Trong văn bản kiến nghị mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hiện pháp lý và nguồn vốn đang là hai khó khăn chính và cơ hữu của thị trường bất động sản, dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa tháo gỡ triệt để. Trong bối cảnh đó, nếu áp dụng Thông tư số 06 vốn chưa chỉ rõ các đối tượng được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nhưng lại chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, mơ hồ sẽ khiến cho các ngân hàng thương mại “nếu không có thiện chí cho vay sẽ dễ dàng từ chối hồ sơ của khách hàng bất động sản một cách đúng quy định”, ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ trong việc vực dậy thị trường bất động sản.

Phân tích rõ hơn về những bất hợp lý của Thông tư số 06, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, tại khoản 8 Điều 8 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom”. Điều này chưa bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Cũng theo HoREA, việc đề xuất vay tín dụng của nhà đầu tư “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” là hoạt động đầu tư có “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020. Việc quy định như tại khoản 8 Điều 8 là chưa phù hợp với các luật này, đồng thời còn chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự do đã hạn chế “quyền” của các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế và nhà đầu tư cá nhân được tiếp cận tín dụng để đầu tư vào các công ty nói trên. Do đó, HoREA kiến nghị nên bỏ quy định tại khoản 8 Điều 8 của Thông tư số 06.

Bên cạnh đó, khoản 9 Điều 8 của Thông tư số 06 quy định tổ chức tín dụng được cho vay đối với nhu cầu vốn “để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện”. Theo đại diện doanh nghiệp, quy định này đã bít đường vay tín dụng đối với nhà đầu tư muốn vay để đầu tư vào các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn nhiều nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án.

Cũng tại khoản 9 Điều 8 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay” là chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản 2014, do quy định điều kiện “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” thiếu rõ ràng. Không những thế, quy định này còn tác động tiêu cực đến đầu tư phát triển nói chung, đồng nghĩa một số dự án đầu tư khác dù “đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện” nhưng “không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” cũng sẽ bị rơi vào trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay, như các trường hợp nhà đầu tư muốn vay tín dụng để đầu tư vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP thực hiện các công trình hạ tầng, cầu đường, cảng, sân bay, nhà máy phát điện…

Cần nhanh chóng sửa đổi Thông tư số 06

Trước phản ánh của các doanh nghiệp, ngày 16.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn hỏa tốc số 746/TTg-KTTH giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 06 nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi Thông tư số 06 lần này và đề nghị cần nhanh chóng triển khai yêu cầu của Thủ tướng. Bởi nếu không, sẽ có những nhu cầu vốn hợp pháp như hoạt động đầu tư, góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hoặc để bù đắp tài chính, nhưng các tổ chức tín dụng “không được cho vay”. Điều này đồng nghĩa, khi không được cho vay, các doanh nghiệp bất động sản sẽ không còn cơ hội xoay chuyển. Các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) - mở ra lối thoát cho doanh nghiệp và cả thị trường - vì thế cũng khó khăn hơn.

VARS đề nghị thời điểm này nên thu hồi lại Thông tư số 06 để nghiên cứu, ban hành Nghị định có nội dung bám sát và đúng tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP. Theo đó, Nghị định này cần làm rõ đối tượng được vay; có phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt; có cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả sau cho vay; thủ tục cho vay cần quy định chi tiết, rõ ràng và chỉ nên căn cứ những gì pháp luật cấm; không nên cấm những gì mà pháp luật chưa phù hợp, đang phải xem xét, điều chỉnh.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/lo-ket-von-doanh-nghiep-mong-som-sua-doi-thong-tu-so-06-i340858/