Lo lắng, bất an trước tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng
Tình trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, rao bán thông tin cá nhân đang ngày nở rộ, gây bức xúc trong cử tri, nhân dân, được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh.
Ngày 26/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác thi hành án, phòng chống tội phạm, kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại về tố cáo.
Theo đại biểu (ĐB) Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), tội phạm công nghệ cao là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội.
Thậm chí, đối tượng còn tạo lập các trang mạng giả mạo của cơ quan công an, của các cơ quan tư pháp để hướng dẫn việc tiếp nhận thông tin tội phạm, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng dịch vụ công, qua đó sẽ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo ông Sinh, loại tội phạm này còn tổ chức đánh bạc qua mạng; hoạt động tín dụng đen qua mạng; tấn công để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội của những người có ảnh hưởng sau đó đổi tên, tán phát thông tin, hình ảnh, quảng cáo, trục lợi.
“Kênh Youtube của Quang Linh Vlog đã bị chiếm đoạt, hay một công nghệ mới là sử dụng công nghệ giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân hoặc cơ quan chức năng để tấn công, lừa đảo người sử dụng”, đại biểu ví dụ.
Từ đó, ông Sinh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập, còn thiếu để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Cùng lo ngại trước tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, đại biểu Trần Thanh Hương (đoàn An Giang) viện dẫn báo cáo của Chính phủ, riêng năm 2024, lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật.
Với trên 161 triệu thuê bao di động cả nước hiện nay thì nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, mua bán vẫn đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra phổ biến trên không gian mạng, gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Hoàn thiện pháp luật để quản lý tốt hơn
Đáng lưu ý, theo đại biểu, việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai, trắng trợn với những thông tin chi tiết được rao bán từ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ... Thậm chí các trang web còn ghi rõ số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ dễ dàng thương lượng, mua bán.
Từ phân tích trên, đại biểu mong muốn Luật Dữ liệu sẽ sớm được Quốc hội thông qua để điều chỉnh thực tế này, đồng kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo cho các ngành chức năng có giải pháp chấn chỉnh tình trạng việc để lộ, lọt thông tin cá nhân trên mạng.
Tiếp thu, làm rõ các ý kiến, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục có các hoạt động nhằm chống phá đất nước, tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật tiếp tục có xu hướng gia tăng với thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và cấp bách, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa và sự chủ động, phối hợp hiệp đồng của các bộ, ngành, địa phương.
Bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giám sát, Bộ trưởng Công an cũng cho biết, đang tiếp tục kiến nghị xây dựng các quy phạm pháp luật để làm tốt và quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả hơn với những hoạt động lợi dụng không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật.