Lo lắng tình trạng có tiền không tiêu hết được
Thực tế hai năm qua cho thấy nghịch lý có tiền nhưng không thể giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 1/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2018 - 2020.
Nghịch lý trong giải ngân vốn đầu tư công
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đề cập đến vấn đề giải ngân đầu tư công và cho rằng, nguồn lực vốn kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 rất hạn hẹp. Tuy nhiên, thực tế hai năm qua cho thấy nghịch lý có tiền nhưng không thể giải ngân vốn đầu tư công. Việc này tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Về nguyên nhân của tình hình trên, ĐB cho rằng do cả chủ quan và khách quan, do cả cơ chế chính sách. Từ đó, ông đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, thẩm định nguồn vốn, phân bổ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; Kịp thời rà soát cắt giảm các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có điều kiện giải ngân nhanh, không đợi đến cuối năm mới thực hiện điều chỉnh.
Về huy động, sử dụng vốn ODA, ĐB cho rằng vốn ưu đãi nước ngoài chưa thật chặt chẽ, chưa đánh giá đầy đủ các chỉ tiêu an toàn nợ công, chưa gắn kết đồng bộ giữa việc vay vốn với cân đối, bố trí, sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công. “Trong báo cáo của Chính phủ, đến nay tổng kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 là 300.000 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng được 62 - 65% nhu cầu giải ngân vốn đã ký kết, chưa tính đến các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ đàm phán trong thời gian tới. Như vậy, vốn ký kết đã vượt rất nhiều, khoảng 100.000 tỷ đồng so với kế hoạch vốn vay nước ngoài dành cho vốn đầu tư công. Nếu không bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công sẽ không giải ngân được, trong khi chúng ta vẫn phải trả phí cam kết, triển khai các dự án chậm sẽ lãng phí lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ”, ĐB phân tích.
ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng góp ý vào việc khắc phục một trong những hạn chế, khó khăn về thực hiện đầu tư công. Theo đó, cần quan tâm về trình tự, thủ tục đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư. Đặc biệt, hiện nay có thực trạng một số dự án đầu tư đã được phê duyệt trước ngày 1/1/2015 đang triển khai đầu tư và có nhu cầu điều chỉnh dự án. Trong đó, có một số dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư với mức tăng lớn, gấp 1,5 - 2 lần so với tổng mức đầu tư được duyệt. Do được duyệt trước ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực nên các dự án này không có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như quy định của Luật Đầu tư công. Do đó, khi triển khai việc thẩm định, điều chỉnh dự án, khó xác định được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương điều chỉnh dự án.
Đề xuất xây dựng dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Phát biểu thảo luận, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ khoảng 200km/h. Lý do cho sự cần thiết của dự án này là vừa qua, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt. Vì thế, nếu làm tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Hà Nội đi Cà Mau khoảng 1.500km với tốc độ 200km/h thì kinh phí khoảng 19 tỷ USD. Về mặt lợi ích, ông Nhường cho rằng giá thành vận chuyển đường sắt bằng 40% chi phí đường bộ và giảm thêm khi kết nối với các cảng biển.
ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cũng cho rằng, cần xây dựng nhanh trục đường sắt 2 chiều Bắc - Nam làm xương sống cho hệ thống logistics nội địa, quy hoạch và đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa, hoàn thiện nhanh hệ thống giao thông đường bộ liên vùng, nghiên cứu hình thành các trung tâm logistics quốc gia, cấp vùng, tiến tới hình thành các trung tâm logistics quốc tế tại Việt Nam.
Theo ông Bình, ngành logistics là ngành kinh tế quan trọng rất cần cho nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, tổng giá trị ngành logistics tương đương từ 21-25% GDP quốc gia, tức là lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, nhiều năm qua ở nước ta đây được coi là ngành siêu lợi nhuận nhưng bị bỏ ngỏ. Vì vậy, ông Bình kiến nghị xác định lại, xem logistics là ngành mũi nhọn, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần quan niệm đây là bài toán vĩ mô, không phải việc riêng của các địa phương. Việc thiếu bàn tay chỉ đạo của Chính phủ khiến cục bộ, không hiệu quả. Ông kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng đội tàu viễn dương giành lại thị phần vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài, bởi phát triển đội tàu viễn dương hùng mạnh là cách nhanh nhất giành lại thị trường.
Bộ trưởng Công thương: Xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ rất phức tạp
Giải trình về những vấn đề thuộc quản lý của ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề cập việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang đắp chiếu: “Mục tiêu đến năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý; năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để. Việc xử lý các dự án này phức tạp vì qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Chúng tôi phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới”.
Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế
Giải trình trong phiên làm việc buổi chiều về một số vấn đề liên quan lĩnh vực Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao (82%), vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Theo đó, đến năm 2016, kết dư quỹ là 47.000 tỷ đồng. Bộ trưởng cho rằng, lẽ ra người dân đóng bảo hiểm y tế phải được hưởng hàng năm, nhưng kết dư nhiều nghĩa là người dân chưa được hưởng dịch vụ tốt, dịch vụ kỹ thuật cao. “Có kết dư thì không vỡ quỹ ngay, nhưng nguy cơ, vì khi hết quỹ kết dư này thì năm nào phải dùng hết năm ấy. Như vậy, trong tương lai xa có thể phải điều chỉnh mệnh giá bảo hiểm y tế vì hiện nay thấp”, bà Tiến lưu ý.