'Lò lửa' Ukraine tăng nhiệt cũng có thể khiến Bắc Kinh đau đầu

Thế vận hội Mùa đông tạo điều kiện cho hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga thể hiện mặt trận thống nhất trước phương Tây. Tuy nhiên, quan hệ này không thực sự bền chặt như bề ngoài.

Đầu tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khai mạc Thế vận hội Olympic - sự kiện thể hiện vị thế toàn cầu hiện nay của Bắc Kinh.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số nhà lãnh đạo khác kêu gọi tẩy chay ngoại giao và không đến dự sự kiện này, ông Tập đã thu hút được một nhóm khách mời ủng hộ riêng.

“Ngôi sao" trong số đó, ông Putin - nhà lãnh đạo luôn cứng rắn với Mỹ - đã xuất hiện cùng ông Tập trong “màn diễn" thể hiện sự đoàn kết một cách có tính toán, giữa lúc căng thẳng Ukraine leo thang.

New York Times nhận định cuộc gặp cũng làm rõ quyết tâm của Trung Quốc và Nga trong việc thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga có thể không thực sự bền chặt như vẻ ngoài, theo Nikkei Asia.

Trung Quốc rõ ràng là một đồng minh của Nga trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này đang căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine. Nhưng ngoài những lời lẽ ủng hộ Nga trong vấn đề kêu gọi NATO chấm dứt mở rộng, Trung Quốc sẽ khó có thể giúp đỡ thêm nữa trong trường hợp phương Tây tiến hành trừng phạt mạnh nếu Moscow đưa quân vào Ukraine.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc. Ảnh: Anthony Wallace.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc. Ảnh: Anthony Wallace.

Giới hạn mối quan hệ

Sau cuộc hội đàm với ông Putin hôm 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì buổi khai mạc Thế vận hội Mùa đông hoành tráng tại Sân vận động Quốc gia Bird's Nest.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach đã kêu gọi các nước nên giữ vấn đề chính trị “tránh xa” lĩnh vực thể thao. Thế nhưng, trên thực tế, chính trị đã ảnh hưởng ngầm đến sự kiện thể thao này ngay từ khi bắt đầu.

Một mặt, ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác đã cáo buộc Mỹ chính trị hóa sự kiện này bằng cách dẫn đầu một "cuộc tẩy chay ngoại giao". Mặt khác, sự kiện này dường như tạo cơ hội cho Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin củng cố mối quan hệ đối tác chống lại sự chỉ trích của phương Tây.

Hôm 4/2, trong cuộc gặp lần thứ 38 với tư cách là nhà lãnh đạo, hai bên cho biết tình bạn của họ "không có giới hạn". Trung Quốc đứng về phía Nga trong vấn đề kêu gọi NATO chấm dứt mở rộng về phía đông và gần biên giới của Nga.

Lãnh đạo hai nước cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ.

Trong một thông điệp trực tiếp nhắm tới Washington, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ “chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ lý do nào, phản đối các cuộc cách mạng màu và sẽ tăng cường hợp tác” trong một số lĩnh vực.

 Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. Ảnh: New York Times.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. Ảnh: New York Times.

Thế nhưng, giới hạn của mối quan hệ đối tác đang phát triển cũng được thấy rõ. Tuyên bố mới không đề cập đến sự ủng hộ lẫn nhau giữa hai bên trong căng thẳng Nga với Ukraine và Trung Quốc với Đài Loan.

“Tuyên bố này phản ánh bản chất của mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc”, Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết. "(Mối quan hệ này) ngày càng sâu sắc nhưng trên cơ sở hướng về các vấn đề liên quan đến Mỹ, chứ không phải một liên minh mà cả hai bên hỗ trợ nhau về mọi mặt".

Trung Quốc sẽ thu được ít lợi từ việc ủng hộ Moscow

Một số chuyên gia ở Mỹ và châu Âu từng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể mang đến cho Trung Quốc “cơ hội trời cho” để tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao. Một cuộc tấn công vào Ukraine của Nga sẽ làm nổi bật việc vai trò lãnh đạo của Mỹ bị “xói mòn" trong các vấn đề thế giới.

Điều này có thể khuyến khích Trung Quốc mở rộng sự hiện diện của mình ở eo biển Đài Loan và những nơi khác, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với phương Tây.

Mặc dù không hoàn toàn sai, nhưng theo Nikkei Asia, cách nghĩ này quá đơn giản. Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cũng có thể khiến Bắc Kinh phải đau đầu.

Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cho biết Bắc Kinh không muốn Nga tiến hành chiến tranh vào thời điểm này. Họ không muốn rơi vào tình huống mất ổn định trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay. Trên thực tế, Bắc Kinh có thể mong muốn tránh những căng thẳng quá mức với Mỹ và châu Âu, ít nhất là trong giai đoạn nhạy cảm này.

Trung Quốc cũng thường cáo buộc các bên phản đối quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan là vi phạm chủ quyền. Vì vậy, sẽ rất khó xử cho nước này khi chống lưng cho một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Bên cạnh đó, mặc dù ông Tập và ông Putin đã thể hiện sự đoàn kết trong cuộc gặp ở Bắc Kinh vào hôm 4/2, tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga thực sự không bền chặt như vẻ ngoài. Bắc Kinh đang ngày càng có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn ở khu vực Trung Á - những nơi trước đây thuộc Liên Xô và Nga coi là sân sau của mình.

 Trung Quốc sẽ thu được ít lợi từ việc ủng hộ Moscow trong vấn đề Ukraine. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc sẽ thu được ít lợi từ việc ủng hộ Moscow trong vấn đề Ukraine. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, việc Mỹ tập trung vào vấn đề Ukraine không có nghĩa là nước này sẽ lơ là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một số người nhận định Washington không thể đương đầu với việc mở rộng chiến tranh trên hai mặt trận ở châu Âu và châu Á cùng lúc.

Nếu Nga tấn công Ukraine, quân đội Mỹ và đồng minh có thể buộc phải tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Không ít chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng chuẩn bị của quân đội Mỹ nếu cuộc khủng hoảng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xảy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác nhận định không nên đánh giá thấp khả năng của lực lượng Mỹ, đặc biệt là khi các hình thức vũ trang được yêu cầu không giống nhau ở Ukraine và eo biển Đài Loan.

"Để giúp Ukraine, chúng tôi cần bộ binh, lực lượng chống tăng và lực lượng hải quân sẽ do Hạm đội Đại Tây Dương phụ trách. Ngược lại, Mỹ cần tàu sân bay, tàu ngầm và máy bay ném bom để đối phó vấn đề eo biển Đài Loan”, Edward Luttwak, một chiến lược gia quân sự người Mỹ, cho biết. "Ngay cả khi (một cuộc tấn công Ukraine) xảy ra, khả năng đáp trả của quân đội Mỹ đối với vấn đề Đài Loan sẽ không bị suy giảm đáng kể".

Ngoài ra, nếu Mỹ không ngăn được Nga tấn công Ukraine thì quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Tổng thống Joe Biden sẽ không bị suy yếu.

Đài Loan quan trọng hơn nhiều đối với an ninh và kinh tế của Mỹ.

"Ông Biden đã phải vật lộn trên các mặt trận như Afghanistan, và phải đối mặt với sức ép từ dư luận trong nước. Vì vậy, giống như những gì chúng ta có thể thấy trong cuộc khủng hoảng Ukraine này, Mỹ cũng sẽ quyết tâm hơn để không thể hiện sự mất điểm trước vấn đề Đài Loan”, Michael Clarke, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Hoàng gia Anh cho biết.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-lua-ukraine-tang-nhiet-cung-co-the-khien-bac-kinh-dau-dau-post1294924.html