Lơ lửng nguy cơ bị truy thu vì Nghị định 20

Sau hơn hai năm có hiệu lực, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về giao dịch liên kết vẫn đang gây khó cho doanh nghiệp với những nguy cơ vi phạm treo lơ lửng trên đầu. Cơ quan thuế đã ghi nhận vấn đề nhưng việc sửa đổi vẫn ở... thì tương lai.

 Nhiều doanh nghiệp gặp khó với khoản 3, điều 8, Nghị định 20. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa Minh Tâm

Nhiều doanh nghiệp gặp khó với khoản 3, điều 8, Nghị định 20. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa Minh Tâm

Mỗi người một cách hiểu

Tại báo cáo kiểm toán cho năm tài chính 2018, công ty G, chuyên lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại nhận được cảnh báo của đơn vị kiểm toán rằng, với quy định của khoản 3, điều 8, Nghị định 20 là “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế” thì doanh nghiệp này có thể bị loại 13 tỉ đồng lãi vay trong chi phí.

Nếu bị loại chi phí này thì chắc chắn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và lợi nhuận để chia cổ tức cũng không thể như báo cáo.

Chia sẻ với TBKTSG, kế toán trưởng của công ty G cho biết, dù đã giải trình rằng đúng là doanh nghiệp có giao dịch liên kết với bốn đơn vị khác, nhưng căn cứ theo các trường hợp kê khai như mẫu báo cáo phát hành kèm Nghị định 20 thì không thuộc trường hợp nào, song phía kiểm toán vẫn giữ nguyên cảnh báo.

“Họ nói rằng, đã có nhiều doanh nghiệp lớn gặp tình trạng bị loại trừ chi phí lãi vay dẫn đến bị truy thu thuế. Nguy hiểm hơn là các cơ quan thuế cũng đang có quan điểm không đồng nhất về trường hợp này”, vị này nói.

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng bị đơn vị kiểm toán, trong báo cáo soát xét bán niên 2019, đưa ra ý kiến loại trừ liên quan đến việc ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tại ngày 31-12-2018 với tổng số tiền gần 335,3 tỉ đồng (việc trích lập được thực hiện trong các năm trước căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 8, Nghị định 20).

Tập đoàn cũng không ghi nhận khoản dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự cho kỳ kế toán sáu tháng đầu năm 2019 với số tiền 155,3 tỉ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, nếu Hoàng Anh Gia Lai thực hiện ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán sáu tháng đầu năm 2019 như vậy, thì chỉ tiêu “thu nhập khác” sẽ giảm 335,3 tỉ đồng; chỉ tiêu “chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” sẽ tăng 155,3 tỉ đồng; chỉ tiêu “lỗ trước thuế” và “lỗ sau thuế” sẽ tăng lần lượt là 335,3 tỉ đồng và 490,6 tỉ đồng.

Đồng thời, chỉ tiêu “lỗ lũy kế” và “thuế và các khoản phải nộp nhà nước” tại ngày 30-6-2019 sẽ tăng với cùng số tiền 490,6 tỉ đồng.

Giải trình về ý kiến này, phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết, theo đánh giá của ban giám đốc công ty thì quy định tại khoản 3, điều 8, Nghị định 20 còn nhiều điểm chưa hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của nghị định là chống chuyển giá. Ban giám đốc từ năm 2017 đến nay đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Nghị định 20.

Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết

Ông Đỗ Vũ Bảo Khánh, Trưởng phòng, Bộ phận Xác định giá thị trường Công ty Tư vấn, kiểm toán và thuế Grant Thornton Việt Nam, cho biết khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến khoản 3, điều 8 về khống chế mức trần chi phí lãi vay chỉ là một trong nhiều vướng mắc mà các công ty gặp phải khi thực hiện Nghị định 20.

Theo đó, hướng dẫn pháp lý cụ thể đối với việc áp dụng điều khoản này hiện vẫn rất thiếu nên doanh nghiệp đang gặp khó khi xác định chi phí lãi vay được khấu trừ trong kỳ tính thuế. Rất nhiều doanh nghiệp phát sinh đồng thời các khoản vay với cả bên liên kết và bên độc lập.

Lúc này, câu hỏi đặt ra là “mức chi phí lãi vay tối đa được khấu trừ chỉ bao gồm chi phí lãi vay từ bên liên kết hay tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ tính thuế?” không được trả lời rõ ràng. “Việc áp dụng quy định này trong một số trường hợp phụ thuộc vào quan điểm, hướng dẫn từ các cơ quan thuế. Vấn đề là các cơ quan thuế khác nhau đang có quan điểm, hướng dẫn khác nhau”, ông Khánh nói.

Bên cạnh vướng mắc này, Grant Thornton Việt Nam cũng ghi nhận thêm nhiều khó khăn khác khi làm việc với doanh nghiệp. Chẳng hạn như yêu cầu về hồ sơ toàn cầu. Nghị định 20 yêu cầu người nộp thuế tại Việt Nam có trách nhiệm chuẩn bị dữ liệu liên quan đến hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu (Master File) cũng như bản sao của báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (Country-by-country profitability report).

Việc yêu cầu song song cả hồ sơ quốc gia và tập đoàn đã vô hình trung làm gia tăng gánh nặng chuẩn bị thông tin cho người nộp thuế tại Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh các hồ sơ tuân thủ phải được chuẩn bị trước thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Quan trọng hơn, việc chuẩn bị thông tin và hồ sơ liên quan đến tập đoàn khó thực hiện, nhất là trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong trường hợp tập đoàn chưa chuẩn bị hoặc được miễn chuẩn bị theo quy định của pháp luật nước ngoài, khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra thì việc xác định nghĩa vụ và đối tượng có nghĩa vụ chuẩn bị hồ sơ toàn cầu sẽ rất phức tạp, gây nhiều tranh cãi, thắc mắc.

Hay như câu chuyện hướng dẫn về phân tích giao dịch liên kết. Thực tế hiện nay cho thấy các hướng dẫn pháp lý chi tiết liên quan đến việc thực hiện phân tích giá giao dịch liên kết chưa đáp ứng đầy đủ thực tiễn Việt Nam. Cụ thể, trong việc so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với các mức lợi nhuận từ thị trường, Nghị định 20 có đề cập đến việc sử dụng dữ liệu trong một năm và cùng năm tính thuế với người nộp thuế để tiến hành phân tích so sánh.

Tuy nhiên, việc quá chú trọng sử dụng dữ liệu một năm, hạn chế sử dụng dữ liệu bình quân gia quyền ba hay năm năm là không hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hoạt động của người nộp thuế, đặc biệt khi người nộp thuế có phát sinh những biến động, hoạt động đột xuất trong năm báo cáo hoặc khi người nộp thuế hoạt động trong những ngành nghề có chu kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh dài hơn. Do đó, tính khách quan và tương đồng của dữ liệu so sánh có thể bị ảnh hưởng.

Sửa đổi vẫn ở... thì tương lai

Theo thông tin từ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ngay từ cuối năm 2017, khi thực hiện Nghị định 20, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị giải đáp một số vướng mắc về việc xác định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ.

Sau đó, ở thời điểm cuối năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai đã bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền phạt (hơn 106,4 tỉ đồng) và đơn vị này đã có văn bản kiến nghị xem xét lại quyết định. Doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét những điều bất hợp lý của khoản 3, điều 8.

Mới nhất, hồi đầu tháng 8-2019, công ty này nhận được trả lời từ Tổng cục Thuế về việc đang tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của Hoàng Anh Gia Lai để trình Bộ Tài chính và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế.

Ông Khánh nhận xét, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 diễn ra chậm hơn so với nhu cầu của thực tiễn phát triển của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của cộng đồng người nộp thuế.

“Theo ý kiến của chúng tôi, nhằm chống tình trạng chuyển giá tại doanh nghiệp cũng như khắc phục những khó khăn và vướng mắc hiện tại, Nghị định 20 nên được tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cho ba nhóm vấn đề kể trên. Quan trọng hơn, các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các quy định cần được sớm bổ sung đầy đủ, đáp ứng thực tiễn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, tức là cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trực tiếp và gián tiếp”, đại diện Grant Thornton Việt Nam nói.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/294832/lo-lung-nguy-co-bi-truy-thu-vi-nghi-dinh-20.html