Lỗ lũy kế cao kỷ lục 324 tỷ đồng, Nhựa Đông Á (DAG) lao đao vì nợ

Kinh doanh thua lỗ kỷ lục trong năm 2023 đã 'thổi bay' toàn bộ thành quả từ trước đến nay của Nhựa Đông Á (DAG). Công ty cũng đang 'lao đao' trước những khoản nợ ngân hàng và cá nhân.

Lỗ kỷ lục "quét" sạch toàn bộ lợi nhuận tích lũy

CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Đông Á, là đơn vị có tiếng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nhựa công nghiệp. Lịch sử hoạt động từ năm 2001 với uy tín tích lũy bao năm của công ty đang lung lay chỉ sau 1 năm kinh doanh bết bát.

Cụ thể, trong năm 2023, Nhựa Đông Á gặp khó khăn lớn về kinh doanh, các ngân hàng cũng đồng loạt đưa công ty vào nhóm nợ xấu gây ảnh hưởng tới hoạt động vay vốn, duy trì sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công ty còn phải trích lập các khoản dự phòng rủi ro khó đòi dẫn đến chi phí trích lập bị gia tăng.

 Thua lỗ cao kỷ lục năm 2023 đã “thổi bay” toàn bộ thành quả của Nhựa Đông Á tích lũy từ nhiều năm (Ảnh TL)

Thua lỗ cao kỷ lục năm 2023 đã “thổi bay” toàn bộ thành quả của Nhựa Đông Á tích lũy từ nhiều năm (Ảnh TL)

Kết quả, trong năm 2023 Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 1.203,6 tỷ đồng, chỉ đạt hơn một nửa so với cùng kỳ. Giá vốn cao khiến công ty lỗ tới 257,2 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên của công ty kể từ khi thành lập đến nay.

Khoản lỗ kỷ lục trên đã "quét" sạch toàn bộ kết quả đạt được suốt bao năm của Nhựa Đông Á. Lợi nhuận tích lũy bị "thổi bay", ghi nhận lỗ lũy kế chưa phân phối trên BCTC tại cuối năm 2023 là 171,8 tỷ đồng và vẫn có xu hướng gia tăng.

Trong Quý 1/2024, dù đã cố gắng nỗ lực nhưng công ty vẫn chỉ ghi nhận doanh thu 30,3 tỷ đồng, giảm tới 94,6% so với cùng kỳ. Do vẫn phải gánh các chi phí hoạt động khác cho nhà máy, công ty báo lỗ thêm 15,1 tỷ. Lỗ lũy kế cũng đồng thời tăng thêm, ghi nhận ở âm 324,3 tỷ đồng.

Sau 2 năm, cổ phiếu DAG mất giá 87%

Sư thụt lùi của Nhựa Đông Á bắt đầu diễn ra trong giai đoạn 2020-2022. Tại giai đoạn này, doanh thu công ty vẫn liên tục tăng trưởng, đạt đỉnh điểm ở 2.243 tỷ đồng vào năm 2022. Tuy nhiên, quy mô lợi nhuận lại suy giảm, chỉ đạt từ 5-10 tỷ đồng mỗi năm trong khi các năm trước liên tiếp đạt lợi nhuận trên 50 tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả kinh doanh trên đã tác động không nhỏ tới diễn biến giá cổ phiếu DAG. Theo ghi nhận, tại cuối năm 2021 mã DAG từng đạt đỉnh ở mức giá 15.300 đồng/cổ phiếu.

Nhịp giảm mạnh ngay đầu năm 2022 đã kéo cổ phiếu DAG xuống chỉ còn được giao dịch quanh ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu.

Bước sang năm 2023, kết quả kinh doanh đáng thất vọng với khoản lỗ kỷ lục 257 tỷ đồng đã lần nữa tác động tới giá cổ phiếu DAG. Tại phiên giao dịch ngày 24/7/2024, DAG chỉ còn được giao dịch quanh ngưỡng 2.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mất giá 87% chỉ sau 2 năm.

Trong ngày 1/7/2024 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã đưa ra quyết định số 351 về việc đưa cổ phiếu DAG vào diện cảnh báo. Nguyên nhân do công ty chưa họp ĐHĐCĐ thường niên. Thời gian chậm trễ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên đã qua 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2023.

Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, Nhựa Đông Á cho biết công ty đang làm việc với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY để hoàn tất các cố liệu kế toán cho BCTC kiểm toán 2023. Do khối lượng công việc lớn nên công ty cần thêm thời gian để hoàn thiện báo cáo.

Đến ngày 15/7/2024, DAG đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhưng sau đó không công bố thông tin đúng theo quy định. Công ty đã công bố tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 vào 27/7/2024 tới đây tại trụ sở công ty.

Diễn biến các khoản nợ của Nhựa Đông Á đang ra sao?

Về tình hình vay nợ của Nhựa Đông Á, tại cuối Quý 1/2024 công ty đang ghi nhận nợ phải trả 1.392,9 tỷ đồng. Lượng nợ phải trả này cao gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu hiện tại của công ty.

Ghi nhận lượng nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của công ty đang ở mức 759 tỷ đồng. Nợ vay và thuê tài chính dài hạn ở mức 412 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng nợ vay của DAG là 1.171 tỷ đồng, cũng cao gấp gần 3 lần vốn chủ hiện tại.

Trong đó, các khoản vay ngắn hạn hầu hết đều của các ngân hàng thương mại cổ phần, chiếm hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đang vay nợ dài hạn của nhiều cá nhân bao gồm: Ông Nguyễn Bá Hùng (262 tỷ đồng); ông Nguyễn Hữu Quân (184 tỷ đồng); Ông Trần Việt Thắng (36 tỷ đồng); ông Đường Ngọc Diệu (41 tỷ đồng).

Với các khoản nợ chồng chất nêu trên, nhiều cổ đông tỏ ra nghi ngờ về hoạt động tái cơ cấu của Nhựa Đông Á, nhất là khi hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn, thua lỗ nặng nề như hiện nay.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lo-luy-ke-cao-ky-luc-324-ty-dong-nhua-dong-a-dag-lao-dao-vi-no-post304675.html