Lo mất an toàn giao thông trước cổng trường
Mùa tựu trường tới gần, an toàn giao thông ở các khu vực trường học lại trở thành vấn đề 'nóng'. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông trước các cổng trường vào giờ cao điểm vẫn là nỗi 'ám ảnh' với nhiều phụ huynh và học sinh.
Rủi ro giao thông khu vực trường học
Thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm ngay trước cổng trường, nạn nhân chính là học sinh. Ngày 17/3, một học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lê Hồng Phong (tỉnh Quảng Bình) tan học đi xe đạp điện về, vừa ra khỏi cổng trường một đoạn ngắn thì bị xe tải lấn làn tông tử vong. Trước đó, ngày 8/2, ngay trước cổng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (tỉnh Đồng Nai), một học sinh lớp 3 của trường bị xe ô tô đưa đón học sinh lùi trúng, tử vong.
Tình trạng ùn tắc giao thông trước các cổng trường vào những giờ cao điểm như trước giờ vào học hoặc tan học (cũng thường vào giờ đi làm hoặc giờ tan tầm), lưu lượng phương tiện lớn, nhiều phương tiện di chuyển với tốc độ cao qua khu vực trường học, đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Chưa kể không ít trường còn nằm ven quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều phương tiện lưu thông.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, chấn thương do TNGT đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh, thiếu niên (trong độ tuổi từ 5 - 29) trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu của Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tại Hà Nội, TNGT liên quan tới trẻ em từ năm 2015 đã gia tăng theo cả 3 tiêu chí: số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương.
Học sinh cấp 3 là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong những năm gần đây. Tỉ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp 3 tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh. Trong khi đó, mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP HCM cao gấp 3 - 4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố; cao gấp 8 - 9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Còn theo một thống kê khác của Quỹ Phòng, chống tai nạn thương vong châu Á (AIP), hơn 17 triệu trẻ em Việt Nam đi lại từ nhà đến trường từ 2 - 4 lần mỗi ngày, trong đó nhiều trẻ vẫn đi chung đường với xe tải và không có vỉa hè để đi bộ đến trường.
Đường đến trường an toàn
Để bảo vệ an toàn cho trẻ em đến trường, từ năm 2018, Quỹ AIP đã phối hợp với Ban ATGT 6 tỉnh trên cả nước triển khai Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”. Mục đích chung của dự án là đóng góp vào việc giảm thương tích và tử vong do va chạm giao thông tại các khu vực trường học, bằng cách tạo ra một môi trường đường bộ an toàn hơn cho học sinh trên đường đến trường cũng như về nhà, thông qua các giải pháp điều tiết và kiểm soát giao thông tại khu vực trường học.
Một trong những kết quả đạt được của dự án là tình trạng giao thông ở các khu vực trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã cải thiện. Đến năm 2022, chương trình đã được triển khai tới tất cả 31 trường tiểu học ở TP Pleiku, trong đó có 23 trường đạt xếp hạng 5 sao - mức an toàn tối đa theo Đánh giá hạng sao trường học của Chương trình đánh giá đường bộ toàn cầu (iRAP).
Đáng nói, việc cải thiện cơ sở hạ tầng xung quanh các trường học trên địa bàn tỉnh là một trong những nội dung quan trọng nhằm cải thiện đáng kể về khả năng đi bộ và an toàn cho trẻ đi bộ đến trường. Các giải pháp đã được áp dụng như bổ sung các vạch giao nhau, vạch sang đường, cải tạo vỉa hè khu vực trường học, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học, lắp đặt biển báo quy định tốc độ mới…
UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành quy định chung về đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn TP Pleiku vào các khung giờ cao điểm. Trong đó, tốc độ tối đa cho phép ở khu vực trường học có đường đôi, có dải phân cách là 40km/h, khu vực đường hai chiều, không có dải phân cách là 30km/h, giảm 20km/h so với trước đây, giúp lái xe giảm tốc độ, xử lý các tình huống bảo đảm an toàn khi qua trường học.