Lo Nga 'phản đòn', EU công bố kế hoạch khẩn về khí đốt để ngăn chặn thảm họa

Ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch phân phối khí đốt khẩn cấp trong bối cảnh lo ngại Nga có thể cắt giảm mạnh dòng khí đốt tự nhiên tới lục địa này.

Căng thẳng khí đốt giữa Nga và EU đang leo thang. (Nguồn: BTI)

Căng thẳng khí đốt giữa Nga và EU đang leo thang. (Nguồn: BTI)

Kế hoạch khẩn cấp của EU

Kế hoạch "Tiết kiệm khí đốt cho một mùa Đông an toàn" đặt mục tiêu cho 27 quốc gia thành viên giảm nhu cầu khí đốt của họ xuống 15% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Kế hoạch tập trung vào việc giảm nhu cầu của các doanh nghiệp và trong các tòa nhà công cộng, thay vì nhà riêng.

Trong số các biện pháp được đề xuất, Ủy ban châu Âu (EC) đang khuyến khích ngành công nghiệp chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm than khi cần thiết.

Đến tháng 9/2022, các quốc gia sẽ phải cập nhật kế hoạch cắt giảm khí đốt như thế nào để đạt được mục tiêu mới.

Các biện pháp này được đưa ra trước một ngày khi Gazprom, công ty khí đốt nhà nước của Nga, có thể quyết định từ chối bắt đầu lại việc giao hàng qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Đường ống này đã ngừng hoạt động trong 10 ngày qua để bảo trì định kỳ.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, việc Nga dừng hoàn toàn giao hàng qua Dòng chảy phương Bắc 1 là một "kịch bản có thể xảy ra”.

Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí”.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là huyết mạch quan trọng liên kết trữ lượng khí đốt của Nga với châu Âu thông qua Đức. Nó cung cấp 55 tỷ m³ khí đốt mỗi năm, hay gần 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của khối từ Nga.

Tháng trước, “gã khổng lồ” khí đốt Nga Gazprom cắt giảm 60% khí đốt qua đường ống, lấy lý do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các tuabin quan trọng bị mắc kẹt tại Canada.

Tuần trước, chính phủ Canada cho biết, những tuabin này đã đến Đức, theo lệnh miễn trừ trừng phạt.

Nhưng Nga vẫn có thể quyết định khóa van khí đốt. Nước này đã ngừng cung cấp khí đốt cho một số nước và các công ty năng lượng của châu Âu, vì từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble.

Ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong chuyến thăm Iran rằng, Gazprom sẽ "hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình" trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, đồng thời, cảnh báo việc giao hàng có thể giảm 20% vào tuần tới nếu Gazprom không nhận được tuabin.

Theo Intercontinental Exchange, sự không chắc chắn liên tục đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu đã đẩy giá khí đốt chuẩn tăng khoảng 85% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Ngày 20/7, giá khí đốt đã tăng 5% lên 161 Euro (tương đương 165 USD) Megawatt/giờ.

Đức gặp rủi ro

Đức sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương do nguồn cung khí đốt giảm. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và các ngành công nghiệp.

Vào tháng 6/2022, nước này đã kích hoạt chương trình phân phối khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn, vài ngày sau khi Nga giảm lưu lượng qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Berlin đã cố gắng cắt giảm tỷ trọng nhập khẩu của Moscow từ 55% xuống 35%, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, việc cắt giảm có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa Đông, cũng như đẩy đất nước vào suy thoái.

Uniper - công ty nhập nhiều khí đốt Nga nhất tại Đức cho biết, đã chịu lỗ hàng chục triệu Euro mỗi ngày kể từ khi Nga cắt khí đốt sang Đức. Việc này buộc Uniper mua khí đốt từ nguồn khác với giá cao hơn. Tuy nhiên, công ty này hiện đã sử dụng hết hạn mức vay 2 tỷ Euro từ ngân hàng đầu tư quốc doanh KfW và đã phải nộp đơn xin cấp thêm.

Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, hồi đầu tháng này cho biết, nước này phải "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" vào ngày 21/7, khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dự kiến hoạt động trở lại.

Theo Cơ quan Hạ tầng khí châu Âu, mức dự trữ khí đốt trên toàn Liên minh châu Âu hiện đạt gần 65%.

Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group nhận định, con số đó nhiều hơn cùng thời điểm năm ngoái, nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 80% mà khối đã đặt ra cho các quốc gia thành viên vào tháng 11/2022.

Ông Gloystein cho biết: “Nếu dòng chảy phương Bắc 1 vẫn ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động trở lại một phần sau khi bảo trì, Đức và EU sẽ khó đạt được mục tiêu đó”.

Tình huống nguy hiểm

Khối 27 thành viên đang chạy đua đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế để tránh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng có thể xảy ra trong mùa Đông khắc nghiệt năm nay. Nhưng một cuộc khủng hoảng có thể đến sớm hơn dự kiến và tùy thuộc vào động thái tiếp theo của Nga.

Ngày 19/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, việc ngừng hoàn toàn khí đốt của Nga có thể khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Hungary, Slovakia và Czech - những quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào xuất khẩu của Moscow tới 6%.

Tình hình ở châu Âu là "nguy hiểm" và các quốc gia này phải chuẩn bị cho một mùa Đông dài và vất vả. Châu Âu phải tìm cách tiết kiệm 12 tỷ m³ khí đốt - tương đương khoảng 3% lượng tiêu thụ hàng năm - trong 12 tuần tới để “ngăn chặn thảm họa”.

Vladimir Petrov, nhà phân tích tại Rystad Energy, công ty nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở chính tại Oslo, Na Uy nhận định: "Đây vấn đề khi nào chứ không phải nếu khủng hoảng đến".

Còn ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mô tả, tình hình ở châu Âu là "nguy hiểm" và các quốc gia này phải chuẩn bị cho một mùa Đông dài và vất vả.

Theo IEA, ngay cả khi châu Âu lấp đầy các kho dự trữ khí đốt đến 90%, các quốc gia này vẫn có khả năng phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung vào đầu năm tới, nếu Nga quyết định cắt giao khí đốt từ tháng 10/2022.

IEA cho rằng, châu Âu phải tìm cách tiết kiệm 12 tỷ m³ khí đốt - tương đương khoảng 3% lượng tiêu thụ hàng năm - trong 12 tuần tới để “ngăn chặn thảm họa”. Một số gợi ý thay thế mà các quốc gia châu Âu có thể thực hiện là đốt nhiều than và dầu hơn.

Ông Birol nhấn mạnh: "Đây là một yêu cầu lớn, nhưng nó không phóng đại quy mô của những điều cần thiết phải làm. Rõ ràng là không đủ nếu chỉ dựa vào khí đốt từ các nguồn không phải của Nga”.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lo-nga-phan-don-eu-cong-bo-ke-hoach-khan-ve-khi-dot-de-ngan-chan-tham-hoa-191498.html