Lo ngại bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát
Hiện dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, thời điểm này đã ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 25.861 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong; đồng thời ghi nhận 5.554 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Đã có 13 ca tử vong do sốt xuất huyết
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 10.052 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 46,4% so với cùng kỳ năm năm 2021), trong đó có 7 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số bệnh nhân nặng là 194 trường hợp (tăng gần gấp 5 lần). Riêng trong tuần từ ngày 20 đến 26-5, thành phố này ghi nhận 1.402 ca sốt xuất huyết (tăng 48,4% so với trung bình 4 tuần trước). Điều đáng nói là số ca sốt xuất huyết tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3.699 trường hợp với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Riêng trong tuần từ ngày 20-5 đến 26-5, thành phố ghi nhận thêm 1.070 ca tay chân miệng (tăng 81,7% so với trung bình 4 tuần trước đó); trong đó số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong tuần từ ngày 21 đến 27-5, thành phố ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết tại 6 quận, huyện: Đông Anh, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Đống Đa, Hoài Đức và Thanh Trì (giảm 7 ca so với tuần trước đó).
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có 55 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2021).
Thông thường theo khuyến cáo, cứ 5 năm, sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Theo chu kỳ thì năm 2022, sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, tại miền Nam, số người bị mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, đặc biệt là đã ghi nhận những trường hợp xuất huyết nặng. Còn tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường. Nếu như mọi năm, thời điểm tháng 5 thường nắng nóng thì năm nay vẫn có ít ngày lạnh, vì vậy, có thể dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan.
“Không phải tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nhập viện. Nếu tiểu cầu của bệnh nhân ở trong giới hạn cho phép, không có dấu hiệu cô đặc máu và các chức năng gan thận bình thường, chúng tôi có thể cho bệnh nhân ở nhà theo dõi và hẹn khám định kỳ sau 2 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đau đầu, không ăn được và nôn nhiều thì cần phải nhập viện lập tức”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường lưu ý.
Ba dấu hiệu cảnh báo tay chân miệng diễn biến nặng
Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thì số mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội lại đang có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần từ ngày 21 đến 27-5, thành phố có 100 ca mắc tay chân miệng (tăng 15 ca so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Đông Anh là địa bàn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 19 ca; tiếp đến là huyện Chương Mỹ có 16 ca; huyện Ba Vì 11 ca; huyện Sóc Sơn 9 ca; các quận, huyện còn lại là Hoàng Mai, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Trì, Thạch Thất, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Long Biên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ ghi nhận từ 2-7 ca.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội ghi nhận 273 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn 55% so với cùng kỳ).
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, số lượng trẻ mắc tay chân miệng đến khám đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 4 và tháng 5-2022, bệnh viện ghi nhận 776 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó); trong đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Chia sẻ về một số trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng được đưa vào viện muộn, Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh, có nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng nhưng do gia đình không biết nên đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
“Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng, gồm: Sốt cao không đáp ứng với điều trị, giật mình, quấy khóc dai dẳng kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, người dân không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”, Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.