Lo ngại căng thẳng leo thang, các nước kêu gọi công dân rời khỏi Libăng

Ngày 31/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức khuyến cáo du lịch tới Libăng lên cấp độ 4 là 'không nên đi du lịch.' Khuyến cáo du lịch cho biết cuộc tấn công vào Cao nguyên Golan 'làm tăng nguy cơ leo thang hơn nữa' giữa Israel và Hezbollah.

Khói bốc lên sau vụ tấn công của Israel tại Marjeyoun, Libăng, ngày 30/7. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên sau vụ tấn công của Israel tại Marjeyoun, Libăng, ngày 30/7. Ảnh: THX/TTXVN

Thụy Sĩ cũng kêu gọi công dân của mình rời khỏi Libăng, lưu ý đến tình hình cực kỳ bất ổn ở quốc gia này. Trong khuyến cáo du lịch Libăng cập nhật, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết: "Bộ Ngoại giao Liên bang khuyến nghị công dân Thụy Sĩ rời khỏi đất nước bằng chính phương tiện của họ nếu khả thi và an toàn".

Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Beirut vẫn mở cửa và sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ thường xuyên. "Tuy nhiên, công dân Thụy Sĩ quyết định ở lại Libăng hoặc đến Libăng bất chấp khuyến nghị của Bộ nên lưu ý rằng nếu tình hình an ninh trở nên tồi tệ hơn, Thụy Sĩ sẽ chỉ có thể cung cấp các dịch vụ hạn chế và sẽ chỉ có khả năng hạn chế trong việc hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp". Theo bộ trên, gần 1.000 công dân Thụy Sĩ đang sinh sống tại Libăng theo số liệu tính đến cuối năm 2022.

Cùng ngày, Úc đã yêu cầu công dân của mình rời Libăng ngay lập tức, nhấn mạnh nguy cơ căng thẳng giữa Israel và phong trào Hezbollah có thể leo thang nghiêm trọng. Trên nền tảng mạng xã hội X, Ngoại trưởng Penny Wong thông báo: "Bây giờ là lúc phải rời đi, tình hình an ninh có thể xấu đi nhanh chóng mà hầu như không có hoặc có rất ít thông báo".

Bà Wong cho biết sân bay Beirut có thể đóng cửa hoàn toàn nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, có khả năng khiến những người muốn rời đi bị mắc kẹt trong "một thời gian dài”. Bà kêu gọi công dân Úc sử dụng các chuyến bay thương mại trong thời gian sân bay còn hoạt động.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Úc, có khoảng 15.000 người Úc đang sinh sống tại Libăng. Con số này tăng thêm hàng nghìn người trong những tháng mùa hè từ tháng 6-9 của quốc gia này.

Bộ Ngoại giao Canada đã kêu gọi công dân của mình rời Libăng hoặc tránh đi tới đó. Thông báo của bộ trên cho biết hiện không có hoạt động sơ tán nào đang được thực hiện đối với người Canada ở Libăng.

Israel đã thực hiện một cuộc tấn công vào thủ đô Beirut của Libăng, và có thông tin là đã một chỉ huy cấp cao của Hezbollah đã thiệt mạng trong vụ này. Libăng được cho là đang chuẩn bị trả đũa đối với Israel.

Căng thẳng Israel - Libăng diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể lan ra toàn khu vực.

Cùng ngày 31/7, Nhà Trắng bày tỏ quan ngại nguy cơ xung đột lan rộng hơn tại Trung Đông sau vụ thủ lĩnh của Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị ám sát tại Iran.

Phát biểu với báo giới trong cuộc họp hằng ngày ở thủ đô Washington, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ nước này vẫn tin tưởng về một kịch bản "khả thi", theo đó Hamas và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn 9 tháng xung đột tại Dải Gaza, dù các nỗ lực này bị ảnh hưởng đáng kể trước những diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây. Ông Kirby nhận định: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào....cho thấy tiến trình này bị phá vỡ hoàn toàn" và "Chúng tôi vẫn tin rằng thỏa thuận trên bàn đàm phán đáng để theo đuổi".

Cùng ngày, tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết các nhà ngoại giao Mỹ và EU đã tiến hành các cuộc họp khẩn tại Trung Đông sau khi thủ lĩnh của Hamas thiệt mạng. Phó Tổng Thư ký Hội đồng Đối ngoại EU Enrique Mora đã họp với các quan chức tại Tehran ngày 31/7, trong khi điều phối viên các vấn đề Trung Đông của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Brett McGurk được cho là đã có cuộc họp ở Ả-rập Xê-út.

Liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, Iran cáo buộc Israel đã tấn công nơi ở của ông Haniyeh. Phát biểu họp báo ở thủ đô Tehran, Phó thủ lĩnh Hamas tại Gaza, ông Khalil Al-Hayya dẫn lời các nhân chứng cho biết ông Haniyeh thiệt mạng sau khi bị một tên lửa tấn công trực tiếp vào nơi ở. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ trả thù cho cái chết của ông Haniyeh. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào thừa nhận đứng sau vụ việc trên.

Trong cuộc điện đàm ngày 31/7, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Jordan Ayman Safadi nhấn mạnh sự cần thiết của việc xoa dịu tình hình nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện tại Trung Đông.

Hai ngoại trưởng nêu rõ một cuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực. Bên cạnh đó, hai quan chức ngoại giao cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết mang tính ràng buộc, trong đó yêu cầu Israel ngừng mọi cuộc tấn công tại Gaza.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cùng Điều phối viên cấp cao của LHQ về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza, bà Sigrid Kaag, đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đảm bảo đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này không bị cản trở.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết hai quan chức trên đã có cuộc gặp ở Doha bên lề chuyến thăm Qatar. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Abdelatty lưu ý rằng viện trợ phải đủ đáp ứng nhu cầu và giảm bớt đau khổ cho người dân Palestine, trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại Gaza.

Ngoại trưởng Ai Cập cũng kêu gọi thực hiện Nghị quyết 2720 của Hội đồng Bảo an LHQ và lên án mọi hành động nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động nhân đạo và cơ sở cứu trợ tại Gaza. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của Cơ quan LHQ về cứu trợ và việc làm dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) trong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo đang được triển khai tại Gaza.

Về phần mình, bà Kaag đánh giá cao tầm quan trọng của việc phối hợp giữa LHQ với Ai Cập, đặc biệt là trong các nỗ lực cứu trợ và nhân đạo tại Gaza. Bà hy vọng hoạt động đưa viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này sẽ sớm được cải thiện.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/319147/lo-ngai-cang-thang-leo-thang-cac-nuoc-keu-goi-cong-dan-roi-khoi-libang.html