Lo ngại cơ chế hoạt động Quỹ Hỗ trợ đầu tư mơ hồ và bất cập
Góp ý về quy trình, thủ tục liên quan đến Quỹ Hỗ trợ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng nhiều điểm chưa rõ ràng, khó dự đoán. Việc hỗ trợ quyết định theo từng năm gây nhiều bất trắc, giảm hiệu quả thu hút và giữ chân các 'đại bàng' FDI...
Góp ý về Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết về điều kiện được hỗ trợ, Điều 14.4.c của dự thảo đưa ra yêu cầu điều kiện “Doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đất đai và các quy định khác của pháp luật”.
Góp ý về quy định này, VCCI băn khoăn không rõ các quy định khác của pháp luật ở đây muốn nói đến là các quy định nào. Tuy nhiên, nếu yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì mới được hỗ trợ thì sẽ là điều bất khả thi.
VCCI phân tích thứ nhất, nhiều vi phạm của doanh nghiệp rất nhỏ và không liên quan đến việc được hỗ trợ, ví dụ doanh nghiệp chậm làm thủ tục đăng ký khuyến mại tại một tỉnh nào đó cũng có thể sẽ được coi là lý do để không được hưởng hỗ trợ.
Thứ hai, cơ quan thẩm định điều kiện được hỗ trợ cũng không đủ thời gian, nguồn lực và chuyên môn để chắc chắn rằng doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của pháp luật trước khi chấp thuận hỗ trợ.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng xác định rõ các hành vi vi phạm là điều kiện để từ chối hỗ trợ; đồng thời, chỉ nên giới hạn ở một số hành vi có liên quan đến pháp luật về hỗ trợ đầu tư hoặc các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác.
Đóng góp ý kiến về quy trình hỗ trợ, VCCI cho rằng quy định về quy trình hỗ trợ tại dự thảo hiện vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, khó dự đoán.
Theo dự thảo, ngân sách hoạt động của quỹ sẽ được phân bổ hằng năm. Đáng nói, việc quyết định hỗ trợ cũng được quyết định từng năm chứ không theo suốt dự án.
Hơn nữa, mức hỗ trợ trong dự thảo chỉ là mức tối đa, doanh nghiệp có thể sẽ không được hưởng mức tối đa này nếu quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó. Trong trường hợp đó, việc phân bổ tiền hỗ trợ dựa trên các tiêu chí chưa rõ ràng, chưa định lượng.
"Đứng từ góc độ của một doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, không có gì chắc chắn họ sẽ được hỗ trợ dù đã thuộc đối tượng và thực hiện đúng các hoạt động được nêu trong nghị định", VCCI nêu vấn đề.
"Khi không chắc chắn như vậy, nhà đầu tư sẽ phải tính toán cho tình huống xấu nhất, tức là không được hỗ trợ. Kể cả đối với các doanh nghiệp đã đầu tư thì việc hỗ trợ được quyết định theo từng năm cũng gây nhiều bất trắc".
(Bản góp ý dự thảo của VCCI)
Hơn nữa có thể xảy ra tình huống dù năm nay được hỗ trợ, doanh nghiệp không chắc chắn năm sau có được hỗ trợ nữa tiếp nữa hay không.
"Sự thiếu chắc chắn này sẽ làm giảm hiệu quả thu hút cũng như giữ chân nhà đầu tư của chính sách này, trong khi ngân sách vẫn phải chi tiền hỗ trợ", VCCI nêu rõ bất cập.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác.
Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư.
Việc chi trả tiền hỗ trợ đầu tư vẫn được thực hiện từng năm nhưng lúc này tiền hỗ trợ chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng phần nghĩa vụ của họ, chứ không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách hay các doanh nghiệp khác.
"Đương nhiên, việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước. Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay. Chúng tôi tin rằng, mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được", VCCI bày tỏ.
Góp ý về hồ sơ đề nghị hỗ trợ và trình tự, thủ tục đề nghị hỗ trợ, đại diện Canon Việt Nam, tính toán tổng thời gian để thực hiện thủ tục, hồ sơ đến khi doanh nghiệp nhận hỗ trợ là 88 ngày, tương đương gần 3 tháng. Như vậy, quãng thời gian này là quá dài cho doanh nghiệp, việc thực hiện các trình tự thủ tục như trong dự thảo gây mất nhiều thời gian, công sức cho doanh nghiệp.
Theo phân tích của doanh nghiệp này, Tổng cục Thuế là cơ quan nắm giữ mọi chi phí của doanh nghiệp, vì tất cả các hồ sơ của doanh nghiệp đều nộp cho Tổng cục Thuế theo báo cáo quyết toán thuế. Vì vậy, quỹ chỉ cần dựa trên số liệu của Tổng cục Thuế để xác định các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ.
Hơn nữa, việc quỹ gửi hồ sơ thẩm định đến các cơ quan khác để xác nhận sẽ mất nhiều thời gian và các cơ quan khác cũng không thể xác nhận được.
"Doanh nghiệp đã khai báo bằng số hóa, vì vậy các cơ quan quản lý cũng đã có cơ sở dữ liệu trên nền tảng điển tử nên dễ dàng cập nhật. Vì vậy cần loại bỏ trình tự thủ tục bằng hồ sơ giấy tờ để đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp", đại diện doanh nghiệp đề xuất.