Lo ngại doanh nghiệp vận tải đội chi phí trước đề xuất lái xe không chạy quá tổng 8h/ngày
Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tổng thời gian lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ trong một ngày không quá 480 phút (8 tiếng). Cho ý kiến nội dung này, các đại biểu cho rằng, điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp...
Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Buổi tọa đàm được chủ trì bởi Thiếu Tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.
Việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ để quy định đầy đủ, chuyên sâu về TTATGT đường bộ; thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo của Đảng. Đồng thời, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng ngừa TNGT, chống ùn tắc giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm…
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại tọa đàm liên quan tới Điều 56 về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, tại khoản 3 quy định: "Tổng thời gian lái xe trong một ngày không quá 480 phút (tức 8 tiếng)". Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại điều 65 luật Đường bộ năm 2008, người lái ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe liên tục quá 4 tiếng và tổng thời gian lái xe không quá 10 tiếng/ngày.
Liên quan đến quy định này tại dự thảo luật, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, kinh doanh vận tải có ngày chạy không đến 8h, có ngày chạy quá 8h tùy vào thực tế thị trường và loại hình kinh doanh. Ông Hùng lấy ví dụ: "Xe taxi, xe hợp đồng và các loại khác, thời gian hoạt động 12h nhưng chỉ phục vụ đón/trả khách theo nhu cầu, cung giờ không ổn định. Vì vậy, đề xuất quy định ở mức không quá 10h như luật năm 2008 là phù hợp nhằm hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm, việc rút ngắn thời gian lái xe trong một ngày không quá 8h sẽ làm tăng chi phí vận tải cũng như xảy ra tình trạng thiếu lái xe tải hạng nặng.
Ông Nguyễn Văn Quyền lấy ví dụ, chỉ có một số ít nước ở Châu Âu quy định thời gian làm việc của lái xe trong ngày không quá 9h, nhiều nước khác quy định từ 10-12h. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, quy định thời gian làm việc của lái xe không quá 10h/ngày đã đi vào cuộc sống và được quy định tại luật hiện hành.
Giải trình nội dung này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định: Thời gian lái xe liên tục, thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe là từ 6h đến 22h: Thời gian lái xe liên tục không quá 240 phút; thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ, các loại hình kinh doanh vận tải còn lại.
Từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau: Thời gian lái xe liên tục không quá 180 phút; thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải. Tổng thời gian lái xe trong một ngày không quá 480 phút (8h).
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh, nội dung này đã được Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo quy định của nhiều nước; đồng thời bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động, phù hợp với đặc thù của nghề lái xe và đảm bảo an toàn, tính mạng của người tham giao giao thông. Việc giảm giờ lái xe sẽ kiểm soát chặt và tạo điều kiện thuận lợi để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, ngăn chặn TNGT.
Dẫn chứng nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế đã lái xe trong thời gian quá dài, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo cũng sẽ tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo luật.