Lo ngại đội vốn, chậm tiến độ khi thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao

Dự án đường sắt tốc độ cao cần chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng 242,9 ha, rừng phòng hộ 652,6 ha, rừng sản xuất 1.671,3 ha, cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên 3.102 ha (trên 500 ha)

Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Qua thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước; đặc biệt là trong việc thúc đẩy hệ thống giao thông hiện đại, giảm tải áp lực đường bộ, đường hàng không và giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại về việc đội vốn, chậm tiến độ, đặc biệt là ảnh hưởng đến độ che phủ rừng, đất lúa…

Ví tuyến đường sắt như gã khổng lồ ngủ quên nên việc triển khai dự án đường sắt Bắc - Nam sẽ giúp “đánh thức” gã khổng lồ này, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng dự án triển khai sẽ tạo đòn bẩy để kinh tế Việt Nam vươn mình. Tuy nhiên, đại biểu So cho rằng để giấc mơ này thành hiện thực cần đối mặt thách thức như vốn đầu tư, lộ trình chuẩn bị khoa học, tính toán cẩn thận từ mọi cấp độ. Bởi tổng mức đầu tư dự án lên đến 67 tỉ USD, là khoản chi phí lớn chưa từng có trong lịch sử đầu tư hạ tầng Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại tổ.

Cùng đó, nếu không có chiến lược tài chính tối ưu, phân bổ nguồn vốn, có thể dẫn tới mất cân đối. Điều này gây ra tác động dài hạn nợ công, đẩy mức bội chi cao, trong khi ngân sách ưu tiên cho các lĩnh vực như y tế, thiết yếu, phúc lợi xã hội... Vì vậy, đại biểu cho rằng để dự án đảm bảo tiến độ và mức độ đầu tư, cần phải giám sát chặt chẽ, dự phòng rủi ro. Tính toán chi tiết về sự sẵn sàng cao thì dự án mới bền vững, không đội vốn, với kế hoạch rõ ràng, phương án khả thi. Đặc biệt, cần tính toán cẩn trọng kỹ lưỡng thời gian hoàn vốn. Đại biểu dẫn chứng khoản nợ của Nhật Bản khi đầu tư đường sắt cao tốc và cho rằng, đây là bài học quan trọng cho Việt Nam.

Cũng nhất trí với chủ trương xây dựng dự án, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng nếu quyết tâm làm thì đây sẽ là công trình mang tính biểu tượng trong kỷ nguyên vươn mình, tạo động lực lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đại biểu cho rằng khi triển khai dự án cần tính toán kỹ lưỡng hiệu quả công nghệ phải đáp ứng được xu hướng của thế giới, tiên tiến và không lỗi thời, có tính hiệu quả cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh việc quan trọng của lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực. Đồng thời cần làm rõ vì sao lại thiết kế 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, tốc độ 350km/h, khi đặc điểm địa hình, địa chất của ta là đồi núi, sông hồ và nền đất yếu. "Chọn vận tốc 350km/h cần phải rất thận trọng. Chúng ta tuyên truyền sáng ở Hà Nội, trưa ăn cơm ở Nha Trang và chiều đến TP Hồ Chí Minh, nhưng với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa thì có ảnh hưởng vận tốc không? Đại biểu cho rằng, việc tuyên truyền về dự án này rất rầm rộ nhưng cần tính hiệu quả thực tế chứ không chỉ tuyên truyền, đặc biệt, cần tính toán kỹ ảnh hưởng của dự án đến độ bao phủ rừng, đất lúa… vì dự án cần chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng 242,9 ha, rừng phòng hộ 652,6 ha, rừng sản xuất 1.671,3 ha, cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên 3.102 ha (trên 500 ha)... Bên cạnh đó, đại biểu dẫn chứng tiến độ dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội bị đội vốn quá cao, chậm tiến độ. Đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lưỡng để không xảy ra tình trạng trên khi thực hiện dự án này.

Cũng nói đến nguồn vốn, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lưu ý vấn đề nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ là một áp lực lớn đối với dự án này. Để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị có các giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.

"Dự án rất cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù, bao gồm cả việc kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, vay vốn ưu đãi hoặc huy động trái phiếu trong nước để giảm áp lực cho ngân sách. Ngoài ra, việc phân nhỏ các thành phần đầu tư theo giai đoạn không chỉ giúp giám sát kỹ càng hơn mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí các nguồn lực và phù hợp với năng lực tài chính của từng thời kỳ của nước ta"- đại biểu nói.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Do đó, đại biểu cũng đề nghị cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để bảo đảm tính bền vững.

Thu Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/lo-ngai-doi-von-cham-tien-do-khi-thuc-hien-du-an-duong-sat-toc-do-cao-i750157/