Lo ngại lạm phát thực phẩm gia tăng tại châu Á
Sự kết hợp giữa các yếu tố căng thẳng địa chính trị, thời tiết khắc nghiệt do El Nino cùng chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại tại Ấn Độ đang đẩy giá gạo châu Á lên cao và gây nguy cơ gia tăng lạm phát lương thực.
Từ ngày 20/7, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti với hiệu lực ngay lập tức. Tuy lệnh cấm này nhằm đảm bảo an ninh lương thực của Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh diện tích trồng lúa của nước này suy giảm 6% so với năm 2022, đẩy giá gạo toàn cầu vốn đang cao lên mức cao nhất trong gần 12 năm.
Động thái của chính phủ Ấn Độ, kết hợp với việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ và sự gián đoạn trong vận chuyển 3 loại phân bón hóa học chính nhằm duy trì sản lượng lương thực thế giới do các lệnh cấm vận lên Nga càng đặt thêm áp lực lên thị trường.
Dù vậy, những yếu tố tiêu cực vẫn chưa dừng lại khi điều kiện khô hạn do El Nino gây ra trong những tháng tới có khả năng ảnh hưởng không chỉ tới nguồn cung gạo mà còn cả sản lượng nông nghiệp nói chung. Theo CNBC, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới – hiện đã khuyến khích nông dân trồng ít lúa hơn nhằm tiết kiệm nước. Trong khi đó, El Nino dự kiến sẽ ảnh hưởng tới sản xuất dầu cọ tại Malaysia và Indonesia cũng như sản xuất lúa mì và lúa mạch tại Australia trong thời gian tới.
Tất cả những yếu tố trên khiến nhiều chuyên gia cho rằng châu Á đang chuẩn bị cho một cơn bão lạm phát lương thực đang dần thành hình trong những tháng tới. Thực phẩm vốn chiếm một tỷ trọng lớn — khoảng 30% đến 40% — trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hầu hết các nước châu Á mới nổi. Ngoại trừ Australia, Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều là những nhà nhập khẩu lương thực ròng.
Điều này khiến các nền kinh tế trong khu vực này “dễ bị tổn thương” trước sự gia tăng giá lương thực trên toàn cầu. Theo nhận định của Nomura, Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước sự tăng vọt của giá lương thực do tỷ trọng thực phẩm trong CPI của nước này chiếm tỷ lệ cao ở mức 34,8% trong khi gạo chiếm 8,9%.
Tuy nhiên, tác động của lạm phát lương thực toàn cầu lên lạm phát lương thực châu Á sẽ không diễn ra ngay lập tức. CNBC trích dẫn báo cáo ngày 11/8 của các nhà kinh tế Sonal Varma và Si Ying Toh tại Nomura cho biết độ trễ trung bình rơi vào khoảng 6 tháng nhưng có thể chỉ khoảng 3 tháng đối với thị trường Indonesia hoặc lên tới 9 tháng đối với thị trường Hàn Quốc. Điều này tương đương với việc lạm phát thực phẩm tại châu Á – Thái Bình Dương có khả năng cao sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Một khi lạm phát thực phẩm diễn ra, ông Paul Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp và giám đốc nghiên cứu của S&P Global, cho biết các hộ gia đình có thu nhập thấp chắc chắn sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bất kể là tại nước phát triển hay đang phát triển. Nguyên nhân là do các hộ gia đình này có xu hướng chi phần lớn thu nhập cho thực phẩm.
Trên thực tế, các tác động nghiêm trọng của lạm phát thực phẩm đã từng được ghi nhận trong quá khứ. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng giá lương thực 2010-2012, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng giá lương thực quốc tế tăng 30% trong năm 2011 khiến giá gạo tăng 10% tại các nước Châu Á đang phát triển và làm giảm 0,6 điểm phần trăm GDP của một số nước nhập khẩu lương thực trong khu vực.
Dựa trên tiêu chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, ADB dự đoán giá lương thực trong nước tăng 10% tại các nước châu Á đang phát triển có thể đẩy 64,4 triệu người vào tình trạng nghèo đói, đồng nghĩa với việc tỷ lệ nghèo sẽ tăng từ 27% lên 29%.