Ngày 12/7, máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan của Nga đã hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ để bàn giao những thành phần đầu tiên của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.
Theo quan sát, những thành phần vừa tới Ankara chỉ bao gồm xe đầu kéo, xe nạp đạn... còn các bộ phận quan trọng như xe radar hay xe mang phóng tự hành sẽ tới vào các chuyến bay sau.
Như vậy đây có thể coi là dấu chấm cho thương vụ mua sắm vũ khí đình đám suốt thời gian qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm theo đuổi hợp đồng S-400 bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Tuy nhiên việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận S-400 cũng chưa bảo đảm thương vụ mua sắm vũ khí này hết sóng gió, khi mới đây Mỹ đã có động thái lạ đó là vẫn để ngỏ khả năng chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 cho Ankara.
Quan điểm thay đổi đột ngột của Mỹ đã dẫn tới lo ngại rằng giữa Washington và Ankara có một thỏa thuận ngầm, đó là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận S-400 nhưng bí mật tuồn công nghệ cho Mỹ.
Nhằm trấn an lo ngại trên, phi công quân sự Nga Vladimir Popov đồng thời là chuyên gia quân sự đã lên tiếng lý giải và tiết lộ một vài thông tin thú vị về phiên bản S-400 bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Những lo lắng về việc rò rỉ công nghệ đang bị đồn thổi một cách thái quá, đặc biệt là đối với tên lửa phòng không. Thậm chí nếu như họ có tháo dỡ từng con ốc vít của S-400 nhằm tìm bí mật công nghệ bên trong, họ sẽ trắng tay với tham vọng của mình, ông Popov cho biết.
Chuyên gia Popov cho biết thêm: "Các tính năng chiến đấu của S-400 phiên bản xuất khẩu không tối tân bằng S-400 nội địa của Nga và không được lắp đặt công nghệ kỹ thuật mới nhất - loại mà Bộ Quốc phòng Nga liệt kê vào danh sách bí mật quốc gia".
Đặc biệt, nếu như Bộ Quốc phòng chưa đồng ý sẽ không có bất cứ một loại vũ khí nào được chuyển ra nước ngoài trong cấu hình có thể gây ra mối đe dọa với nền an ninh quốc gia Nga.
Quy định tương tự cũng được áp dụng cho S-400 phiên bản xuất khẩu bất kể quốc gia nào là khách hàng, tức là Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc cũng không có ngoại lệ.
Bên cạnh đó Nga cũng chỉ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa đánh chặn 48N6E3 (phiên bản xuất khẩu của 48N6DM) tầm xa 240 km chứ không bán cho đạn 40N6 tầm xa 400 km.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được Nga cung cấp cho tổ hợp quản lý bầu trời Polyana D4M như đồng minh Syria, tức là nếu xét cụ thể thì năng lực của S-400 Ankara chẳng hơn gì S-300PM nâng cấp của Damascus.
Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, tức là bí mật của tổ hợp S-400 xuất khẩu này bằng cách nào đó rơi vào tay Mỹ thì ảnh hưởng tới Nga cũng không quá lớn.
Liên quan đến việc sản xuất S-400, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói hiện tại không có thảo luận về việc sản xuất chung các hệ thống tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có thể một số thành phần sẽ được hợp tác chế tạo.
"Không thể nói về việc sản xuất chung tất cả các bộ phận S-400, bởi đây là những loại vũ khí mới. Nhưng chúng ta có thể nói về việc hợp tác chế tạo một số thành phần diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ".
Việt Dũng